Sông Kiến Giang, đoạn ngang qua ngôi mộ cụ Dinh(ông nội Ngô Đình Diệm)
Ngôi mộ đó được thiên táng (đã viết
trong bài Lệ Thủy địa linh, nhân kiệt). Thực ra khi đó chẳng ai để ý, lâu ngày
cây cỏ um tùm trông như một gò đất to. Đất An Mã xưa rất lạ, mặc dầu không cằn
cỗi (vì bây giờ người ta trồng rừng, cây lên thành cổ thụ) nhưng ở đây chỉ mọc
một thứ cỏ gianh xanh mướt suốt từ chân lên đến đỉnh. Mỗi khi gió thổi, sóng cỏ
đuổi nhau chạy lao xao từ chân núi lên. Cứ như ngàn vạn bước chân chạy lên trời
vậy. Mãi đến sau này, vào năm 1936 bà Ngô Đình Khả dẫn các con Ngô Đình Thục, Ngô
Đình Khôi, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn về làng Đại Phong thăm quê
hương, cúng tế, sửa sang cho ngôi mộ thì mọi người mới để ý đến. Lúc đó ông Ngô
Đình Diệm đã được Bảo Đai bổ làm Thượng thư bộ Lại được 3 năm.
Ông Ngô Đình Khả, từ ngày đỗ đạt
không về làng, chắc là vì lời nguyền năm xưa. Khi ông đỗ đạt, triều đình cho
thông tư về làng báo lên tỉnh rước sắc bằng. Song các bô lão làng Đại Phong
không nhận. Lý do là trong sổ đinh làng Đại Phong không có ai tên là Ngô Đình
Khả. Chuyện này chắc cũng có lý, vì khi ông Ngô Đình Dinh (bố ông Khả) mất, ông
Khả mới 6 tuổi và được cha đạo ở làng Mỹ Phước, Đại Phong nhận nuôi, sau đó cho
ra Hà Nội học rồi về làm việc trong triều đình Huế. Vì chuyện này mà ông Khả
giận làng Đại Phong, thề sẻ không về làng và nhận làm con dân làng Phủ Cam,
Huế. Sau này, khi hiểu ra, làng Đại Phong có cử các bô lão vào Huế xin lỗi. Ông
Khả thông cảm và có đóng góp tiền để dựng lại đình làng và xây nhà thờ Tây Hạ.
Xung quanh ngôi mộ đó có rất nhiều
giai thoại về câu chuyện chạm long mạch làm họ Ngô khốn đốn! Thực hư không biết
thế nào, nhưng mấy tháng trước (2010) khi hầu chuyện một vị sư già trong đoàn
chư tăng về làm lễ cầu siêu cho Lễ thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (chôn gần đó), nhà
sư nói rằng: “Âm phần ở đây còn vượng khí lắm, chí ít cũng sinh công hầu, khanh
tướng, chỉ tiếc một điều… cái điều đó tôi chưa thể nói ra, nhưng khi hóng
chuyện thấy rằng: Long mạch An Mã xứ Lệ linh thiêng quá, nên gom lại những sự
kiện dược cho là chạm long mạch ngôi mộ họ Ngô để kiểm chứng.
Lần chạm long mạch thứ nhất, đấy là
vào năm 1939. Khi đó một nhà tư sản lúa gạo, người Đồng Hới, có cái tên rất
Pháp là Paul Ngọc, chẳng hiểu lý do gì đã bỏ tiền mua vùng đất Ba Canh, dưới
chân An Mã để canh tác. Thực ra, Ba Canh không phải vùng màu mỡ để sản xuất lúa
gạo. Để canh tác, ông Ngọc đã cho đào mương dẫn thủy. Vì vậy, chạm long mạch. Lần
chạm này đã dẫn đến tai vạ: Thượng thư Ngô Đình Diệm bị Bảo Đại cách chức vì
trái mệnh triều đình. Thực ra ông Diệm phải chịu cái tội “giời ơi” vì ông chủ
trương cải cách quản lý để giảm bớt sự lộng hành của người Pháp. Người Pháp
muốn chia làm 3 Kỳ, Bắc, Trung Nam và chỉ để cho triều đình có toàn quyền ở
Trung kỳ thôi, ông Diệm chống lại điều này. Triều đình không thuận, ông từ
chức. Việc cách chức của triều đình chỉ là chữa thẹn mà thôi. Cùng với sự thất
sủng của ông Diệm, ông Ngô Đình Khôi – anh ruột ông Diệm, đang làm Tổng đốc
Quảng Nam bị viên phó toàn quyền Đông Pháp Nouailletas gây khó dễ. May thay,
thời kỳ này, chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã làm công cuộc khai phá Ba Canh
ngừng lại. Họ Ngô tạm yên ổn.
Lần chạm long mạch thứ 2, đấy là
vào năm 1944. Khi đó người Nhật chiếm Đông Dương. Được sự giúp đỡ của một
chuyên gia canh nông người Nhật, ông Paul Ngọc lại khai phá Ba Canh. Lại đào
kênh dẫn thủy, lại chạm long mạch. Lần này xem ra tệ hơn, nên đã gây đại họa
cho dòng họ Ngô. Ông Ngô Đình Khôi, tổng đốc Quảng Nam cùng con trai Ngô Đình Huân bị
những người kháng chiến bắt thủ tiêu. Ông Ngô Đình Diệm cũng bị Việt Minh bắt.
Nghe nói, khi ông Diệm bị bắt, cụ Hồ, với chính sách mặt trận của mình, có gặp
và thuyết phục ông Diệm tham gia chính phủ lâm thời, nhưng ông Diệm từ chối. Lý
do ông Diệm từ chối là ông trách người Việt Minh đã giết anh và cháu ông. Thực
ra, ông Khôi chết cũng đáng, vì ông Khôi khét tiếng độc ác. Khi là Tổng đốc
Quảng Nam,
mỗi lần bắt được cộng sản nằm vùng, ông tra tấn rất dã man. Ngón đòn ông đắc ý
nhất là dùng lửa đốt hậu môn kẻ tình nghi. Chúng ta có thể tin rằng việc giết
ông Khôi không phải lệnh từ trên, mà do cơ sở tự làm vì quá phẫn nộ. Bằng chứng
là khi bắt được Ngô Đình Diệm rồi, cụ Hồ đã gặp ông tại một ngôi nhà ở phố Hàng
Trống (Nay là trụ sở báo Hà Nội Mới) thuyết phục không được đã thả tự do cho
ông. Sau đó, vào năm 1951, ông Diệm trốn sang Mỹ, ở New Jesey vận động đôc lập
cho Việt Nam.
Còn ông Ngô Đình Nhu bấy giờ cũng đã được ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ
chính quyền Cách mạng, ký sắc lệnh số 21 ngày 8-9-1945 bổ nhiệm ông Ngô Đình
Nhu làm giám đốc Nha lưu trữ công văn và thư viện toàn quốc. Nhưng ông Nhu từ
chối không đến nhiệm sở (Tư liệu này mới đây đã được công bố ở Viện lưu trữ
Quốc gia).
May thay, cách mạng tháng Tám thành
công, rồi kháng chiến chống Pháp, làm sự nghiệp khai hoang của ông Ngọc bị bỏ
dở. Ngày tháng trôi đi, vết thương long mạch được hàn gắn, họ Ngô lại phục hồi,
hưng vượng. Năm 1954, ông Diệm được Bảo Đại mời về làm Thủ tướng. Một năm sau,
trong cuộc trưng cầu ý dân, ông lên làm Tổng thống chính thể đầu tiên của VNCH.
Cùng với đó, ông bổ nhiệm các em mình vào các vị trí cốt tử. Ngô Đình Nhu làm
cố vấn đặc biệt, Ngô Đình Luyện làm đại sứ VNCH tại Anh, Ngô Đình Cẩn lãnh chúa
Tây Nguyên. Còn ông Ngô Đình Thục trở thành Tổng giám mục chăn dắt hàng triệu
tín đồ Thiên Chúa Giáo.
Lần chạm long mạch thứ ba đã tuyệt
diệt dòng họ Ngô Đình. Lần này có rất nhiều giai thoại rất bí ẩn. Nguời ta nói
rằng, lần này là do bộ đội đào hầm hào, mở đường, chuẩn bị chống chiến tranh mà
Ngô tổng thống hô hào “Lấp song Bến Hải, Bắc Tiến”. Người ta còn nói, việc đào
hầm hào ở đây là có tính toán trước, và được ngụy trang bằng Phong trào xây
dựng lá cờ đầu nông nghiệp Đại Phong. HTX này đã đưa người lên khai hoang Bến Tiến,
dưới chân An Mã, đào kênh đẫn thủy, chạm long mạch. Cùng lúc đó còn có một tiểu
đoàn bộ đội đào hầm hào ở chân đồi An Mã. Sau 100 ngày đào bới làm đứt long
mạch, gia đình họ Ngô tuyệt mệnh, anh em Diệm, Nhu bị quân đảo chính bắn chết.
Cho đến tận ngày nay, những con hào giao thông đó vẫn còn, nó chỉ cách chỗ ngôi
mọ và mét. Người dân bản xứ nói rằng, có một hầm ngầm rất lớn ở khu vực đó.
Thời đó, dân Đại Phong mỗi lần đi khai hoang đều xuất phát từ đình làng, chèo
thuyền đi vào ban đêm. Có lần tướng Nguyễn Chí Thanh đi cùng, hò khoan, hò hụi
rất vui vẻ. Có giai thoại nói rằng, trong đoàn đi ấy có một thầy địa lý gầy gò
mặc chiếc áo rộng thùng thình, đội cái mũ sụp xuống đi cùng tướng Thanh. Một số
người đoán đó là ông Cả Đạt, một thầy địa lý cao thủ của xứ Nghệ. Nhưng chắc
không phải, vì ông Cả Đạt mất trước năm 1963. Có lẽ vì ông là người được ví như
Cao Biền của xứ Nghệ nên nguời ta đoán già, đoán non vậy thôi.
Có người nói rằng, những năm đó,
với sự giúp đỡ của nguời Tàu, Việt Nam đã mở đường Trường Sơn vào Nam để tiếp
tế cho chiến trường. Trong đó có việc định xây dựng các công binh xưởng ở Ba
Canh, An Mã để sản xuất vũ khí tại chỗ. Vì vậy, xây dựng Đại Phong chỉ là cái
cớ ngụy trang mà thôi. Ai lại đi cử một ông đại tướng đi làm nông nghiệp. Khai
hoang Bến Tiến chỉ cho sản phẩm là sắn. Vả lại, đất đồng bằng sông Hồng thiếu
gì nơi màu mỡ mà vào tận cái vùng “khỉ ho, cò gáy”, “cóc đái một bãi là ngập
lụt” ấy để xây dựng là cờ đầu nông nghiệp (Điều này và câu chyện công binh
xưởng, theo tôi là có lí). Có người nói, chọn Đại Phong là một đòn chính trị vì
Đại Phong là quê hương ông Diệm. Những năm đó, ông Diệm cứ hô hào “Lấp sông Bến
Hải, Bắc tiến”. Xây dựng Đại Phong là để nói với ông Diệm rằng: quên hương ông
đang giàu lên nhờ cách mạng, cớ sao ông định đem xe tăng ra càn lúa. Cái lí do
này để che đậy câu chuyện công binh xưởng.
Chẳng biết mô tê gì, nhưng thời đó
dân Đại Phong sướng thiệt, thóc lúa ăn không hết gửi kho HTX.
Thôi thì lắm thầy nhiều ma, sự thật
vẫn là sự thật. Tôi đã đọc trong "Ô Châu cận lục" của Dương Văn An,
bản dịch của cụ Bùi Lương, do nhà Văn hóa Á châu xuất bản năm 1961, phần Địa Lý
ở trang 42 có ghi "huyện Nha Nghi có 80 huyệt". Đây là các huyệt đạo
mà các thầy địa lý xác định, có điều các bản dịch sau này cho đó là mê tính nên
lược đi. Công cuộc khai hoang bến Tiến là có thật, giờ là nông trường Đại
Giang. Thậm chí là địa danh trong bài Quảng Bình ca “có ai về Đại Phong, Xin vô
ghé thăm vùng Bến Tiến”. Núi an Mã còn đó, với những hầm hào lở loét quanh
mình. Trong chiến tranh, người ta còn lùa trâu bò vô những hầm ngầm kiên cố
bằng bê tông để tránh bom Mỹ. HTX Đại Phong sau năm 1963 thì cũng “lặng gió”. Ông
Nguyễn Ngọc Ánh, chủ nhiệm đầu tiên được phong anh hùng lao động rồi điều lên
huyện. Người kế nhiệm là ông Đặng Ngọc Đính, năm nay đã 82 tuổi, 60 tuổi đảng,
còn đó làm nhân chứng sống. Ông vẫn lặng lẽ cứ đến ngày sóc, vọng thắp hương
cho tướng Nguyễn Chí Thanh tại gian thờ trên tầng 2 nhà văn hóa làng. Gia đình
họ Ngô nghe đâu còn bà Trần Lệ Xuân (vợ ông Nhu) sống một mình trong một căn hộ
gần tháp Effen bên Pháp. Ông Ngô Đình Trác là kỹ sư canh nông lấy vợ người Ý,
có 3 trai, 1 gái. Ông Ngô Đình Quỳnh thì không lấy vợ sống tại Bỉ. Cô út Ngô
Đình Lệ Quyên, tiến sỹ luật, lấy chồng ở Ý.
Ngôi mộ kết phát đế vương của dòng
họ Ngô ở Bến Kéc, An Mã giờ chỉ còn dấu tích là một khóm tre gai và một ít gạch
đá bị đập vỡ vụn. Vây quanh là các khu mộ của họ Võ, họ Trần. Khi tôi tìm vào
đến đây, đường hào giao thông phía trước mộ vẫn còn, dân bản địa nói chỗ gạch
đá ấy là cây thập tự còn lại cuối cùng bị trẻ chăn trâu đập phá?
Tổng thống bị phế?
Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Tổng
Thống nền Cộng Hòa đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm cùng với bào đệ
là Cố Vấn Tổng Thống Ngô Đình Nhu bị giết tại Sài Gòn trong một cuộc đảo chính.
Đây cũng là khoảnh khắc khép lại thời vàng son của dòng họ Ngô Đình. Và đây
cũng là thời điểm mà cố hương của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm gặp nhiều nguy
biến nhất. Có thể nói rằng số phận lênh đênh của dòng họ xuất chúng này vẫn chưa
bao giờ ngừng.
Cố hương vời vợi…
Một người tên Hàm, sống ở Lệ Thủy, Quảng Bình, chia sẻ: “Ông đầu tiên học
trường thuộc địa, gọi là trường Hậu Bổ, sau đó ra làm quan Tuần Vũ, cũng như
tỉnh trưởng vậy đó. Sau đó nhờ tài năng ông được rút về trung ương, tức triều
đình Huế. Sau đó đụng chạm với Phạm Quỳnh, đụng phải sự cố chấp, không chịu
canh tân, ông từ quan. Sau đó nữa ông âm thầm hoạt động cách mạng độc lập, để
có nền Việt nam Cộng Hòa sau này là nhờ ông biết hoạt động độc lập...”.
Theo cụ Hàm, quê gốc của cố Tổng
thống Ngô Đình Diệm không phải ở làng Đại Phong, xã Phong Thủy, Lệ Thủy, mà là
ở phủ Xuân Dục, Quảng Bình. Cụ Ngô Đình Dinh, ông nội của Tổng Thống Diệm là
một con chiên mộ đạo. Do tránh nạn tiêu diệt Ki-Tô giáo của triều đình Huế, cụ
đã trốn vào làng Đại Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình để sống.
Ban đầu cụ làm nghề chèo đò, nấu
nước trà cho làng mỗi khi có lễ lạc. Bởi quan niệm dân gốc và dân trú thời đó
nên cụ gặp rất nhiều khó khăn, sống trong nghèo khổ, bần hàn. Cụ sinh được một
người con là Ngô Đình Khả, chính là thân sinh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau
này. Cụ Dinh mất sớm do bệnh tật, lúc đó, Ngô Đình Khả là đứa bé sáu tuổi. Một
vị linh mục người Pháp mang Ngô Đình Khả về nuôi và cho học hành tử tế. Vốn có
tư chất thông minh, Ngô Đình Khả nhanh chóng thăng tiến sau này nhờ vào học
hành.
Với đời vợ cả, cụ Ngô Đình Khả sinh
ra được hai người con trai là Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục. Sau khi vợ cả qua
đời, cụ Khả tái hôn với bà Phạm Thị Thân, sinh ra sáu người con là Ngô Đình
Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Thị Giáo và Ngô Đình
Thị Hiệp.
Với gia thế làm quan kể từ sau giai
đoạn khó khăn của ông nội Ngô Đình Dinh, có thể nói rằng đến thời cụ Ngô Đình
Diệm là thời phát tiết của tộc Ngô. Cụ nổi tiếng là người học giỏi, cụ được
Pháp đưa sang mẫu quốc để du học nhưng cụ không chịu đi để giữ khí tiết chống
thực dân đô hộ, cụ ra Hà Nội để học Hành chính quốc gia, còn gọi là trường Hậu
Bổ. Năm 1921, cụ tốt nghiệp trường Hậu Bổ và về làm quan tại Huế. Thời kì làm
quan của cụ là thời kì mà nhân dân địa phương được sống sung túc nhất dưới sự
dẫn dắt của cụ.
Cụ tổ chức đào kênh, đắp đường lộ,
làm nhiều việc có lợi cho dân. Sau nhiều biến thiên lịch sử, cụ phải trốn sang
nhiều nơi, thậm chí nhiều nước. Và đến năm 1954, cụ làm Thủ tướng dưới quyền
của Quốc trưởng Bảo Đại. Mười năm sau, năm 1955, nền Cộng Hòa đầu tiên của Việt
Nam
ra đời dưới sự dẫn dắt của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Cuối năm 1955, cụ Diệm làm Quốc
Trưởng và sau này đổi thành danh xưng Tổng Thống cho đến tháng 11 năm 1963.
Ông Hàm cho rằng cái chết và sự lưu
vong của gia đình họ Ngô là do một thủ đoạn tính toán về phong thủy. Bởi lúc
đó, Quảng Bình nằm phía Bắc vĩ tuyến 17, thuộc lãnh địa của Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa. Nghiệt nỗi, mộ cụ nội của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vẫn nằm trên đất
Đại Phong, Phong Thủy, Quảng Bình. Mà theo lời của một nhà chiêm tinh có uy tín
lúc bấy giờ thì đất Lệ Thủy sinh ra bậc kỳ tài, ứng vào tộc Ngô và tộc Võ.
Sông Kiến Giang, đoạn ngang qua ngôi mộ cụ Dinh. RFA photo Sông Kiến Giang, đoạn ngang qua ngôi mộ cụ Dinh. RFA photo
Nếu giữ bậc hiền tài tộc Ngô thì
khí vận của nhân tài tộc Võ không đủ để lay chuyển thời vận. Và người ta đã
nhắm đến mộ của cụ Ngô Đình Dinh, ông nội cụ Ngô Đình Diệm để phá phách, trấn
yểm. Việc trấn yểm, phá phách này kéo dài gần chục năm, cho đến khi ngôi mộ của
cụ Dinh bị phá tan hoang cũng là lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô
Đình Nhu bị ám sát.
Hiện tại, không còn dấu vết nào của
dòng họ nhà Ngô Đình trên đất Đại Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Mặc
dù trong quá trình di cư, vẫn còn nhiều người họ hàng của tộc Ngô Đình sống lại
làng Đại Phong nhưng đã đổi thành một họ khác như Trần, Lê. Sau biến cố ngày 1
tháng 11 năm 1963, những người họ hàng này lại một lần nữa rời bỏ quê hương, sống
lưu vong.
Dấu xưa không còn và ngôi mộ
thiên táng
Cụ Hải, sống ở Đại Phong, Lệ Thủy,
Quảng Bình, chia sẻ: “Nhà ông Giáp và ông Diệm gần nhau. Rõ ràng ông Diệm
phải giỏi ngang ngửa với ông Giáp mới đấu nổi với nhau chứ. Nhưng do người ta
giết hại ông Diệm nên đành vậy thôi.”.
Theo cụ Hải, lúc cụ Ngô Đình Dinh,
tức ông nội của Tổng thống Ngô đình Diệm qua đời, vì gia cảnh nghèo khó, vợ
chết sớm, chỉ có một con trai nhỏ là Ngô Đình Khả mới sáu tuổi. Hai cha con
sống lây lất qua ngày bằng việc chèo đó thuê ban ngày và ngủ nhờ đình làng ban
đêm. Khi cụ Dinh mất, dân làng thương tình mua áo quan khâm liệm và chèo thuyền
đưa thi hài ông dọc theo sông Kiến Giang, đến núi Bến Đẻ để an táng.
Nhưng đi nửa đường thì trời đổ mưa,
nghe tiếng cọp gầm, dân làng sợ quá đào qua loa một huyệt bên đường lên núi để
chôn tạm rồi sáng mai tiếp tục an táng. Đang đào thì cọp gầm gần quá, người dân
hoảng hốt lấp vội đất và bỏ chạy. Sáng mai, bà con lại bơi ghe lên chỗ huyệt mộ
để lấp đất cho tử tế. Nhưng khi đến nơi thì thấy một gò đất tròn, cao đã phủ trên
ngôi mộ. Gò đất này do mối đụn lên mà tạo thành. Người làng kháo nhau ngôi mộ
được thiên táng, tức trời chôn, đời sau sẽ phát tích. Và chuyện này đã thành sự
thật.
Cùng lúc đó, bên khu nhà thờ làng
tộc Võ, một cây dừa bị bão đánh đã lâu, từ thân khô của nó mọc ra hai nhánh và
phát triển rất nhanh. Tin đồn về khí vận ở Lệ Thủy đang phát tiết lan rộng.
Trong đó, ngôi mộ thiên táng của tộc Ngô được cho là tụ khí hơn khu nhà thờ
làng có cây dừa mọc đôi của tộc Võ.
Đến những năm 1950, công cuộc đào
phá long mạch mộ tộc Ngô bắt đầu nhưng không có tác dụng. Đến năm 1961, một
đường hầm đào xuyên qua trước ngôi mộ, gọi là công sự để chế tạo vũ khí nhưng
thực chất chưa bao giờ có vũ khí nào chế tạo ở đây.
Sau đó một thời gian, các đường
công sự đào ngang đào dọc và ngôi mộ cũng tự dưng biến mất. Cuối cùng là cái
chết thương tâm của gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm và cuộc đời tứ tán của
dòng họ Ngô. Dấu vết xưa của dòng họ Ngô trên đất Lệ Thủy, Quảng Bình cũng
không còn.
Theo như chia sẻ của cụ Hải thì khi
mà khí vận của đất Lệ Thủy bị tuyệt, từ đó đến giờ, đời sống khó khăn, người đỗ
đạt cao một cách nghiêm túc rất hiếm và niềm tự hào của người dân về gia tộc họ
Ngô cũng bị triệt tiêu một cách đáng sợ. Nhưng cụ Hải cũng khẳng định rằng nếu chọn
một điều gì đó để nói về quê hương mình, ông sẽ chọn gia tộc họ Ngô bởi đây là
một gia tộc đi từ nghèo khổ đến đỗ đạt và cống hiến cho dân tộc này rất nhiều.
(ST trên mạng)