ẢNH CHỤP GIA ĐÌNH 21/12/2012

THẦY PHONG THỦY-TỬ VI-TRẠCH CÁT


NHẬN TƯ VẤN: phong thủy-Tử vi và xem ngày tốt xấu các việc::
+Phong thủy Dương trạch và Âm trach. Dương trạch tư vấn Nhà ở; Công trình; Văn phòng; bếp nấu; phòng thờ; phòng ngủ; phòng tắm... hợp phong thủy. Âm trạch tư vấn đặt mộ, lấy hướng trong nghĩa trang hoặc khu mộ gia đình.
+Chọn ngày Tốt các công việc: Xem tuổi xây nhà, sửa nhà; chọn ngày tốt để khởi công, động thổ; nhập trạch. Xem ngày khai trương.Xem tuổi lấy chồng, lấy vợ. Xem ngày cưới, ăn hỏi. Mua sắm ô tô và xe máy.
+Đặt tên cho con; Chọn năm để sinh con. Chọn số, biển số đẹp cho: ô tô; xe máy; điện thoại. Chọn màu sắc hợp tuổi và bản mệnh.
Xem Tử vi: Dự đoán vận mệnh cuộc đời-Dự đoán năm lấy vợ, lấy chồng. Đại tiểu vận làm ăn tốt; Dự báo tang ma, ốm đau, vận hạn và Hóa giải đề cuộc sống tốt đẹp hơn.



Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Về nơi hoằng hóa bằng ánh sáng Phật pháp.

Chùa Hoằng Pháp huyện Hóc Môn TP Hồ Chí Minh-13/7/2011
                                                                             

Đó là chùa Hoằng Pháp ở  xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh. Chùa tọa lạc cách thành phố khoảng 30km đi xe taxi hết 15 đến 20 phút.

Hôm đến chùa là ngày 13/7, chùa đang có khóa tu cho khoảng 3000 em học sinh. Ngay ở cổng vào chùa ban tổ chức của nhà chùa đang đón học sinh.

Theo quý thầy ở ban tổ chức chùa Hoàng Pháp hàng năm đón nhận các khóa tu cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, khóa tu  thứ nhất năm 2007 nhận hơn 300 em, khóa thứ II năm 2008 nhận hơn 700 em, khóa tu thứ III năm 2009 nhận hơn 1700 em, khóa thu thứ IV  2010 nhận hơn 3000 em, khóa tu  thứ V  năm 2011 sẽ đón nhận hơn 6000 em  và  khóa này sẽ chia làm 2 đợt, chùa đang đón học sinh  đợt 2 khoảng 3000 em.  Và có điều lạ là khóa tu học cho lứa tuổi học trò mà  năm sau lại cao hơn năm trước. Nhà chùa đã có lịch khóa tu cho cả mùa hè 2012 rồi đấy.

Thật đúng là nơi  hoằng hóa Phật pháp ! Thế mới biết tại sao chùa Hoằng Pháp lại có đông các gia đình phật từ gửi con em mình vào tu tập.

Theo quy định của nhà chùa trong những ngày các em học sinh vào tu học, nhà chùa đóng cửa không cho khách và phật từ vào thăm viếng chùa. Nhưng gia đình của tôi là ngoại lệ; vì trình bầy từ miền Bắc vào thăm, và từ thành phố xuống từ ngay buổi sáng, sau khi ban tổ chức hỏi người có trách nhiệm của chùa, quý thầy nhất trí đưa gia đình tôi và Mẹ tôi vào thăm viếng chùa.

Tôi biết về chùa Hoằng Pháp cũng không lâu , khoảng chừng 8 đến 9 năm gì đó, thông qua một người quen của vợ tôi cùng  bán hàng ở chợ tạm phố Trung Kính. Thỉnh thoảng cho “một đĩa băng về ánh sáng Phật pháp”; và  có lẽ chùa Hoàng Pháp là chùa đã giành nhiều thời gian và tiền của để phát tặng khách thập phương băng đĩa để hoằng hóa Phật pháp và đạo phật.

Hiện nay ở nhà tôi có chừng trên 20 đĩa, rất nhiều đĩa do Thầy Thượng Tọa Thích Chân Tính thuyết giảng , những đĩa này chủ yếu mua ở chùa Quán Sứ -Hà Nội; được  biết   chùa  Hoàng  Pháp đến nay đã phát hành ra rất nhiều  đĩa. Hôm đến chùa nhà chùa phát tặng cho đĩa “Bậc Đại Nhân –bài của thầy Thích Chân Tính”, chắc đây là đĩa mới nhất: nói về Phật Tổ Thích Ca Mô Ni.

Giới thiệu về chùa: Có lẽ đây là ngôi chùa to nhất miền Nam. Chùa tọa lạc trên khu đất diện tích 06 ha, tại thôn Thành Ông Năm, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. 

Ngay cổng chùa là Tượng phật Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
                                                                          
Ngoài việc tu hành,  hoằng truyền Phật pháp, xây dựng ngôi Tam Bảo, Chùa Hoằng Pháp  luôn quan tâm đến người hoạn nạn. Năm 1965, trước cảnh màn trời chiếu đất của đồng bào bị chiến tranh tàn phá tại Đồng Xoài, trủ trì nhà chùa  đã đón nhận 60 gia đình gồm 261 nhân khẩu về chùa nuôi dưỡng trong 8 tháng, sau đó mua đất xây  55 căn nhà cho đồng bào định cư.

Năm 1968, do chiến tranh những trẻ thơ mất cha lạc mẹ không nơi nương tựa hoặc nghèo đói thất học ngày càng nhiều, nhà chùa lại thành lập viện Dục Anh, tiếp nhận 365 em từ 06 đến 10 tuổi về nuôi dạy. Năm 1974, với dự định mở làng cô nhi tiếp nhận thêm hàng ngàn trẻ thơ bất hạnh và thành lập đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, nhà chùa đã mua 45 mẫu đất tại ấp Phú Đức, xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh. Công việc khai hoang đắp đường đang tiến hành thì tháng 4/1975 đất nước thống nhất,  nhà chùa đã hiến số đất đó cho Ban Quản trị khu Kinh tế mới Lê Minh Xuân.

Chùa Hoằng Pháp có khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cao bóng mát quanh năm. Là địa điểm rất lý tưởng cho các em học sinh  đến sinh hoạt dã ngoại và cắm trại. Nhà chùa  đã tổ chức nhiều trại Hè  cho các em học sinh ở đây.

chùa  Xây dựng mang dáng vẻ cổ kính của chùa miền Bắc với góc đao cong vút, 02 tầng mái ngói màu đỏ. Toàn bộ nền móng, đà, cột, trần, mái đều đúc bằng  bêtông kiên cố, tường xây gạch, mặt ngoài ốp gạch men, mặt trong quyét sơn . Nền lát gạch granite nhập từ Tây Ba Nha. Toàn bộ cánh cửa, án thờ đề làm bằng gỗ quý, chạm trổ rất tinh vi.
   
Dưới gốc cây Đào tiên trong sân chùa


                                                                           
Hai bên bậc cấp dẫn lên thềm tiền đình chính điện là hai con sư tử lớn bằng xi măng. Hai bên cửa chính điện là hai bức phù điêu khắc tượng thần Kim Cang với vẻ mặt cương nghị, thân hình mang dáng đẹp khỏe mạnh của người lực sĩ. Nội điện gồm tiền Phật hậu Tổ. Tiền điện thờ phật Tổ Thích Ca Mô Ni ngự trên tòa sen trong tư thế thiền định, chiều cao khoảng 4,50m. Phía trên chung quanh vách tường là 07 bức phù điêu bằng xi măng chạm khắc hình ảnh cuộc đời đức Phật từ lúc xuất gia cho đến khi nhập niết bàn. Phía trên và dưới bức phù điêu đối diện với tượng Phật là hai hàng chữ “Phật Nhật Tăng Huy - Pháp Luân Thường Chuyển”. Trước án thờ là bao lam bằng gỗ điêu khắc hình “cửu long chầu nguyệt”. Phía trên bao lam là ba cuốn thư cũng bằng gỗ khắc chữ Hán; cuốn ở giữa đề THIÊN NHƠN SƯ, hai cuốn hai bên đề chữ TỪ BI và TRÍ TUỆ.
Hậu Tổ thờ cố Hòa Thượng Ngộ Chân Tử, Tổ khai sơn chùa Hoằng Pháp. Và trên tường là hai bức phù điêu miêu tả cuộc đời hành đạo của Ngài. Hai bên tả hữu là bàn thờ chư hương linh.

Đối diện với chính điện là tượng Phật Tổ  Bổn Sư Thích Ca Mô Ni Phật tọa thiền dưới gốc cây Bồ đề. Phía trước cây Bồ đề là cổng tam quan mới đựơc xây dựng vào tháng 6/1999. Từ ngoài nhìn vào cổng tam quan, cổng chính đề chữ CHÙA HOẰNG PHÁP, hai cổng phụ bên trái đề chữ TỪ BI, bên phải đề chữ TRÍ TUỆ .



Mẹ và vợ tác giả (trong chính điện)

Trong chùa Hoằng Pháp (Con trai thứ Ngô Hoàng Đông)
                                                                                           
Tu gì ở chùa Hoằng Pháp: Trong 49 năm thuyết pháp, tùy theo căn cơ chúng sinh, đức Phật Tổ Thích-ca Mô-ni chỉ dạy tám vạn bốn ngàn pháp môn tu. Trong đó, pháp môn niệm Phật không ai hỏi mà Phật tự thuyết.

Niệm Phật là niệm danh hiệu Phật A-di-đà. A-di-đà có 3 nghĩa là Vô lượng thọ, Vô lượng quang và Vô lượng công đức. Vô lượng công đức là công đức nhiều không thể nghĩ bàn, Vô lượng thọ là sống lâu không thể tính đếm, và Vô lượng quang là ánh sáng vô lượng, chiếu soi cùng khắp.

Đến chùa Hoằng Pháp nhớ lời Phật dạy chúng ta:  Phật niệm Phật để mau được thành Phật. Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết, nước dưới sông có lúc đục lúc trong, con người có đoàn tụ tất phải chia ly, có sinh ắt có tử. Do đó, muố n thoát luân hồi khổ, thoát khỏi sinh diệt phải gấp niệm Di-đà. Chỉ cần tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên, người niệm Phật sẽ được an lạc trong hiện tại, tương lai chắc chắn sẽ được vãng sinh…Chùa Hoằng Pháp nơi đây dưới sự hoằng pháp của các quý Thầy ;còn là nơi xây dựng nét sơ khai ban đầu cho các em nhỏ khi mới bước vào đời , là nền tảng vững chắc để các em tạo dựng niềm tin và sức mạnh về một lối sống lành mạnh; bảo tồn những giá trị tâm hồn cao đẹp của dân tộc , hướng đến đời sống chân-thiện-mỹ ; xa dời những cám dỗ, tiêu cực và cực đoan trong xã hội./.
Hà Nội 25/7/2011-Ngô Lê Lợi.

Công đức xây dựng chùa

Chùa Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh (Vợ và mẹ tác giả)
Công đức ở chùa Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh
                                                                    

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Lập nghiệp trên miền quê mới Sóc Trăng.



Vợ chồng CCB Phạm Văn Dòng ở phường 10 thành phố Sóc Trăng
                                                                   
Cứ mỗi năm hội đồng ngũ  những cựu chiến binh của thôn Thanh Nộn xã Thanh Sơn -huyện Kim Bảng- tỉnh Hà Nam lại gặp nhau một ngày để kỷ niệm ngày nhập ngũ: 10/12 hàng năm. Hôm đó vui lắm, anh em tụ tập  chén rượu, chén trà rất vui. Ngày hôm đó khoảng trên hai mươi anh em gặp mặt, người xa nhất là ở Hà Nội, Nam Định, số còn lại ở ngay trong huyện.

Hội đồng ngũ chụp năm 2004
                                                                    
Hội đồng ngũ thôn Thanh Nộn xã Thanh Sơn hàng năm gặp mặt ảnh chụp 30-4- 2006
                                                                             
Hàng năm gặp nhau, luôn luôn thiếu một người bạn cũng là cựu chiến binh; giải phóng xong miền Nam anh ở lại chiến trường , lấy vợ và  lập nghiệp trên vùng quê mới  tỉnh Sóc Trăng thuộc miền Tây Nam bộ; người đó là anh Phạm Văn Dòng.
                                                                            
Dòng ở xóm 2 thôn Thanh Nộn; nhớ ngày nhập ngũ đang học cấp III trường huyện; ở cái tuổi 20 ấy có biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui ở cái thôn quê, chưa mưa đã ngập chưa nắng đã hạn ấy. Bù lại tạo hóa lại cho quê hương một con sông Đáy đẹp như giải lụa vắt qua xã. Những đêm thanh gió mát trai gái đưa nhau ra đây tình tự. Gió mát hiu hiu thổi, nhìn đoàn thuyền ăn hàng đầy ắp xuôi ngược trên sông. Ánh trăng  vàng rải xuống dòng sông và phản lên một màu vàng giàu có cho quê hương. Đâu đó rìu dặt tiếng sáo trúc ai thổi nghe trầm bổng làm cho buổi tối thêm huyền ảo. Vui nhất vào những ngày hè, lũ trẻ con đánh đu trên mấy cây phượng vĩ, nóng trong người chúng lại  rủ nhau xuống sông tắm, đùa nghịch sao mà ngày ấy vui thế nhỉ?

Lứa tuổi những người ở vào trạc tuổi 17-19-20 , ăn còn chưa no mà đã được vào bộ đội để đánh giặc. Những năm tháng ấy ai mà trúng tuyển nghĩa vụ quân sự thì mừng lắm, vì mình đã trưởng thành, muốn thoát ly ra khỏi làng, rồi ra sao thì ra. Còn những bậc cha mẹ thì lại lo lo, con mình còn nhỏ, ăn chưa no lo chưa tới đi bộ đội không biết có theo kịp anh kịp em không?

Nhớ đêm xã đoàn tổ chức liên hoan, sao mà vui thế. Có văn nghệ hẳn hoi, tuy là “cây nhà lá vườn” thôi nhưng mà vui. Cũng đêm ấy xã tổ chức liên hoan bánh kẹo, uống trà, mỗi tân binh chuẩn bị nhập ngũ được tặng một cái túi có 1 týp thuốc đánh răng và 1 bàn chải, có lẽ đây là tặng vật đầu tiên trong cuộc đời của mỗi thanh niên mới lớn. Nhớ lại đêm đấy không biết có phải mùng một hay là ngày gì đó mà ở đình Thượng các cụ đi lễ đình; và các cô gái làng cũng đi theo mang giúp lễ; Đám tân binh rủ nhau đi ra đình để xem....và có người còn trêu gái, Thanh niên là vậy đấy! Có thể nói đa số thanh niên lên đường nhập ngũ năm ấy không ai có mảnh tình vắt vai để mà thương mà nhớ (trừ mỗi anh Tam năm ấy cưới vợ trước lúc đi bộ đội). Cho nên tình yêu mà những người lính đã giành cho ai là sâu nặng lắm, có gỡ cũng không ra đâu.

Rồi hôm sau, xã đội giao quân cho huyện đội, mỗi người được phát quân trang ngay, mặc vào, tuy theo số nhưng  đều rộng thùng thình. Trông buồn cười lắm, lại trêu nhau. Anh chỉ huy nhận quân, phải nghiêm mặt anh em tân binh mới không trêu nhau. Và đêm đấy, đến 10 giờ  khoảng gần 600 quân của huyện hành quân bộ ra bến tàu Phủ Lý  về nơi huấn luyện, tàu chạy đến gần sáng là đến Bỉm Sơn –Thanh Hóa, vì là tàu quân sự nên đi không nghỉ.

Buổi đầu đi bộ đội là như vậy đấy. Phía trước là mặt trận, là Mỹ-Ngụy, là sự  gian khổ và có thể phải hy sinh vì đất nước, vì nhân dân. Nhưng phía sau người của người lính là gì; là trách nhiệm của người thanh niên khi đất nước có giặc, là gia đình, là người thân, là lũy tre xanh, là dòng sông Đáy mến thương.

Đã đi đánh giặc là gác lại tất cả gia đình, quê hương, bạn bè...có người còn có cả vợ, con, sự nghiệp nữa...
         
Một thời của người lính là như thế, đi đánh giặc mà lòng nhẹ nhõm thanh cao, không đòi hỏi, không yêu cầu; chỉ biết tuân lệnh của chỉ huy ra đi chiến đấu để giải phóng Miền Nam.
          Trong những người lính đã trở về với đời thường, có người ăn ra làm nên thành đạt nhưng cũng có người còn khốn khó. Nền kinh tế mang đậm nét thị trường là như vậy. Có người thì tiến lên , có người thì thụt lùi thậm chí có người quẫn trí và tự sát. Điểm lại một số anh em để biết.

Trong số đó Biểu là người như vậy, với gần chục năm ở chiến trường, chiến tranh và khó khăn nhưng anh vẫn tồn tại, anh đã chiến đấu, đã qua nhiều chiến trường từ chiến Đông Nam bộ đến Tây Nam bộ và đã chiến thắng trở về lấy vợ, sinh con; nhưng vốn không có trình độ văn hóa, lại làm ăn khó khăn ở vùng quê chiêm trũng làm chẳng đủ ăn, mà áp lực gia đình lại lớn.Nên anh đã tìm đến cái chết. Hàng năm họp đồng ngũ hội vẫn mời vợ anh đến dự.

Trong số anh em đồng ngũ có lẽ Minh là gặp may mắn nhất; quê anh ở thôn Bút Sơn có nhà máy xi măng lớn nhất miền Bắc những năm 90 do cộng hòa Pháp giúp. Tiềm năng của quê anh là có nhiều núi đá vôi. Anh đã xin quy hoạch một quả núi để khai thác đá xây dựng; đến nay anh đã đầu tư một dây chuyền sản xuất đá xây dựng với số vốn vài tỷ đồng. Tuy sống ở quê nhưng anh có lẽ là đàng hoàng nhất trong hội, có tiền tiêu rủng rỉnh, gần vợ con, gần họ hàng lối xóm.

Sau là Anh Tam, khi ra quân với hai bàn tay trắng, về quê không trình độ văn hóa, không nghề nghiệp, anh lọ mọ kinh doanh đủ thứ nghề, lên rừng lấy củi về mở ngay lò nung vôi tại nhà; huy động cả nhà làm vôi, nhưng chẳng ăn thua gì, vì phải mua đá, thuê ô tô , đầu tư thì nhiều bán lãi chẳng được bao nhiêu. May quá có người bạn làm nghề xây dựng công trình cầu-đường giao thông cho anh đi cùng để trông vật liệu, ban đầu anh bạn giao cho những công trình nho nhỏ và cho vay vốn. Và thật không phụ công con người có sức khỏe có trí, có công mài sắt có ngày nên kim. Chăm chỉ như con kiến tha lâu cũng đầy tổ, nay gia đình anh có hẳn một công ty có tiếng và liên danh liên kết thêm. Công ty của anh hoạt động trên vùng miền núi Sơn La chuyên nghành làm các công trình giao thông. Đến nay anh có một cơ ngơi kha khá, có  hẳn một khu nhà có mấy trăm mở thị trấn Văn Điển Hà Nội; có ô tô riêng để đi lại. Mừng nhất các cơn anh đã thành đạt, cũng theo nghiệp bố cũng hành nghề xây dựng công trình giao thông. Các con anh đều đã trưởng thành và anh đã lấy vợ gả chồng cho các con, anh chị đã lên ông bà mấy năm nay rồi. Xin chúc mừng cái hạnh phúc mà anh tự tìm và có được đến ngày hôm nay; Hạnh phúc mà có hôm nay anh hơn chúng tôi vì anh đã mang nó đi chiến trường nên nó đẹp mãi mãi.

Anh Kỷ, từ khi ra quân về quê anh chịu khó học thêm, có bằng cấp 3 anh tham gia vào Hội đồng nhân dân xã Thanh Sơn, hiện nay anh là phó chủ tịch hội đồng nhân dân xã Thanh Sơn và đang theo  học lớp  cao cấp lý luận.

Anh Tùng về quê, anh  còn tham gia thoát ly công tác nay nghỉ mất sức, có lương hưu lại có một quán bia nho nhỏ đủ cho sinh hoạt gia đình.

Có lẽ phải nhắc đến một người nữa là Hiếu, Hiếu ở gần nhà Dòng nhất; ra quân về địa phương Hiếu tham gia vào Đoàn xã giữ chức bí thư xã Đoàn. Có lẽ thời bao cấp phù hợp với Hiếu hơn có lương sống cũng dễ chịu. Nhưng Hiếu không năng động lắm, do vậy một thời gian thì nghỉ Đoàn xã; xã cấp cho một miếng đất ở gần ủy ban xã , cũng làm một căn nhà nho nhỏ; ngày ngày vợ Hiếu bán hàng rau cỏ theo “mua gì bán nấy”, không hiểu chợ ở quê bán như vậy có đủ ăn không?

Còn tác giả thì sao. Đã tham gia vào chiến dich: Cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam-Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của dân tộc;  và thuộc mũi miền Tây Nam bộ ; Đơn vị xuất phát từ  tỉnh Cămbốt (trên đất Campuchia), đơn vị đã quân quản thành phố Cần Thơ tại căn cứ hải quân Bình Thủy khoảng một tháng; sau đó chuyển quân về  gần phi trường ở tỉnh Sóc Trăng. Phiên hiệu của đơn vị là D23-11.  Đơn vị hay đi lại quen nhất là đường Trần Hưng Đạo, nay là trục lớn nhất của Sóc Trăng - vì trùng với quốc lộ 1; tỉnh lúc đó do mới giải phóng nên không cho bộ đội đi chơi, mà theo chế độ huấn luyện tại doanh trại và gác. Nếu đi lại ra ngoài doanh trại phải 3 đến 5 người;  đi ra ngoài ít lắm. Đơn vị ở khi đó  có lẽ  bây giờ gần trường quân chính quân khu 9  ; đóng quân ở Sóc Trăng được 3 tháng. Do khi ấy Cam pu chia bắt đầu gây hấn; nên đơn vị hành quân lên trấn giữ ở căn cứ Chi Lăng ở huyện biên giới Tri Tôn (Châu Đốc-Ann Giang). Sau đó được Bộ quốc phòng cho ra Bắc học ở trường giao thông đường bộ thuộc tỉnh Vĩnh Phú, ra trường tháng 5/1980; Bộ Giao thông vận tải điều tăng cường cho tỉnh Hà Tuyên (gồm Tuyên Quang và Hà Giang bây giờ).Và trên  31 năm sống , công tác ở huyện miền núi biên giới Hoàng Su Phì của Hà Giang, tham gia cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới của bá quyền Trung Quốc trên 11 năm (1980 đến 1991); có thể nói Hoàng Su Phì là huyện có tuyến giao thông đi lại khó khăn nhất miền Bắc tính đến thời điểm này. Đường độc đạo vào huyện dài có 60 km nhưng có đến trên 70 “khúc cua”; tuy nay đã nghỉ hưu rồi nhưng  mong muốn được Đảng- Nhà nước-Chính phủ và tỉnh Hà Giang nên ưu tiên và quan tâm vốn để  đầu tư cải thiện mở đường giao thông để con đường này để đồng bào đi lại cho dễ dàng hơn.

Mỗi năm về họp hội, các bạn lại nhắc đến Dòng, thâm tâm muốn vào miền Nam thăm bạn nhưng điều kiện không cho phép,  nay mới có điều kiện đi thăm bạn. Bay vào đến thành phố Hồ Chí Minh là 10 giờ đêm 10/7; ngày 11 dự lễ khai trương chi nhánh của của con trai song, là ngày 12 thuê taxi đi Sóc Trăng ngay. Phải nói lên điều không tưởng là miền Tây Nam bộ đổi mới nhiều quá. Cái mới nhất là giao thông bây giờ quá thuận tiện; nếu nói từ năm 1998 vào Cần Thơ phải qua hai con phà thì nay là hai cây cầu quá đẹp là Mỹ Thuận và Cần Thơ.  Cái thứ hai là phương tiện giao thông rất nhiều và đa dạng. Nếu ngày trước giải phóng chỉ có mấy hãng xe đò thì ngày nay có rất nhiều hãng xe chở khách và taxi. Miền Tây Nam bộ thật đúng với câu ngạn ngữ  “miền tây gạo trắng nước trong ai vô trong đó thì không muốn về”; ngon nhất là cơm trắng ăn với cá kho tộ thì quên sầu luôn. Nên  Dòng mê câu đó nên đánh hết giặc rồi mà đâu muốn về quê là vậy.

7 giờ sáng xe taxi chuyển bánh, theo dự định là ngủ một đêm tại nhà Dòng để tâm sự loài chim biển. Đi cùng Mẹ và vợ. Xe đi từ thành phố Hồ Chí Minh  qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, đến Sóc Trăng dài 240 km. Đường đi miền Tây Nam bộ đẹp quá, đường bằng phẳng, hai bên đường là những cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay. Những ruộng lúa đang mùa thu hoạch trải dài đến tận chân trời. Xa xa những thôn ấp đầm ấm, quây quần tuy nhiên do quỹ đất nhiều nên các mái nhà ở khá xa nhau như kiểu ở của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. 11 giờ trưa; còn cách Sóc Trăng 10km, nghỉ ăn trưa bên một quán cạnh con kênh thấy tàu xuồng đi lại xình sịch. Ăn theo kiểu cơm phần, 30 nghìn /người; cơm gạo trắng, với canh ngó sen nấu cá rô đầu vuông,thêm đĩa cá lóc dán, ngon quá ta. 12 giờ đến thành phố Sóc Trăng thành phố bây giờ mới quá không còn quá khứ ở nơi đây. Từ miền Bắc đã có dự định là đi đến chùa Dơi Sóc Trăng ngôi chùa của người khme. Khi đóng quân ở đây đã cùng mấy anh em trong đơn vị trốn đi vào chùa; ngày ấy chưa hiểu nhiều về Phật giáo chỉ thấy chùa có nhiều Phật thôi.

Cổng vào chùa Dơi Sóc Trăng (Vợ chồng tác giả và mẹ tác giả)

Một góc chùa Dơi Sóc Trăng Tác giả và mẹ tác giả)

Trong chùa Dơi-Tượng Phật tổ niết bàn
                                                                     
Nhưng nay thì biết rồi. Chùa Dơi được xếp hạng là Di tích danh thắng cấp Quốc gia đầu tiên ở Sóc Trăng . Đây là ngôi chùa của đồng bào Khme, có kiến trúc, hoa văn đặc sắc, to đẹp vào bậc nhất trong số 92 ngôi chùa Khme của tỉnh. Đặc biệt, từ hàng trăm năm nay, khuôn viên rộng trên 3ha với nhiều cây cổ thụ là điểm trú ngụ của hàng ngàn con dơi lớn như dơi quạ, dơi ngựa, có con nặng trên một kg, sải cánh dài hơn 1,5m nên người dân địa phương quen gọi là chùa Dơi. Ngôi chùa này đã hơn 400 tuổi. Chùa thờ phật. Xe đỗ cách chùa khoảng 300m, phải đi xe lôi vào chùa.

Sau đó quay ra đường Trần Hưng Đạo đường trục chính của thành phố Sóc Trăng bây giờ. Hỏi thăm vào nhà của Dòng. Hỏi mấy người quanh khu trường quân chính là tìm thấy; vì đã là lính trinh sát rồi nên đã có kinh nghiệm hỏi đường; Tìm vào những gia đình bộ đội có tuổi 56-60 tuổi thì dễ hỏi vì những cỡ đó mới biết về Dòng. Quả là tìm thấy.

Vào nhà thấy vợ và con của Dòng mừng quýnh,  thấy Dòng khỏe mạnh là mừng rồi. Bây giờ Dòng  đang là Chủ tịch hội cựu chiến binh của phường 10. Dòng trông khỏe lắm, và còn rất nhanh nhẹn. Ngồi với Dòng, câu chuyện xoay quanh những kỷ niệm về đời lính, anh em, chuyện quê hương. Đời người ai cũng vậy có chuyện vui buồn,  “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh” phải không Dòng? Cách mạng thành công nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, quân đội, nhiều mảnh đời đổi mới. Có gia đình đang là nghèo hèn do cống hiến với cách mạng được đổi đời đủ ăn đủ mặc tiến tới giàu có; ngược lại các gia đình địa chủ, cường hào , hay chống phá cách mạng bị trừng trị trở thành nghèo khó việc đổi ngôi này âu cũng là do tạo hóa hay chăng?  
                                                                              
Vợ-chồng Phạm Văn Dòng  khi mới xây dựng  gia đình và con gái đầu chụp 1982
                                                                   
Phạm Văn Dòng tâm sự năm 1982 anh lấy vợ, chị là quân y sĩ cùng đơn vị và cháu gái đầu sinh năm 1982  bây giờ cũng là giáo viên, xây dựng gia đình rồi chồng công tác ở tỉnh đội Sóc Trăng. Cháu thứ hai là trai làm nghề xây dựng bước đầu cũng tạm đủ ăn, cũng xây dựng gia đình rồi vợ là cô giáo, và có một cháu gái rất xinh. Vợ dòng đã nghỉ hưu hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng kinh tế đủ ăn. 
"Mái ấm" của Phạm Văn Dòng
                                                                      
Gia đình ở trên một công đất khoảng 1000 m2, xây được một căn nhà khoảng 40 -50m2 , xung quanh trồng rau, cây trái, nuôi gà làm thực phẩm,  thế là ổn quá rồi.

Tác giả  và Bạn CCB Phạm Văn Dòng

Vợ chồng Tác giả  và vợ chồng Bạn Phạm Văn Dòng (Vườn nhà Dòng)

                                                                   
Gia đình anh toàn phần hưởng lương, các cụ ta có câu “trông lên thì không bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng” . Cuộc sống là thế, mà giấc mơ chắc cũng chỉ thế thôi, đòi gì nữa; xưa cha ông ta có câu “một túp Lều tranh hai trái tim vàng” ở gia đình Dòng thấy đúng lắm.

Con Dâu và cháu nội

Con gái và cháu nội
                                                                    
Tâm giao 3 tiếng đồng hồ, Mẹ muốn về thành phố Hồ Chí Minh không muốn ngủ lại, vì con trai Ngô Hoàng Đông đã bố trí tour du lịch đi Campuchia vào ngày mốt rồi, nên chia tay vợ chồng Dòng về để cho Mẹ nghỉ một hôm vì Mẹ đã 78 tuổi rồi. Dòng hỏi có còn trở lại không? Trở lại chứ vì đã ngồi nhâm nhi với nhau đâu. Bữa nay đến để cho biết nhà thôi, còn đến nữa. Vợ con Dòng chuẩn bị cho mấy gói bánh Pía đặc sản của Sóc Trăng và,  bắt cho một con gà ta miệt vườn. Nể quá, chẳng lẽ bạn cho không lấy. Nhận quà  thôi. Cảm ơn thịnh tình của vợ chồng Dòng và các cháu.

Nay về Bắc rồi, nhớ mãi buổi gặp Dòng, nhớ người bạn thuở tuổi hoa thời  chăn trâu cắt cỏ, tuổi đuổi bướm, bẻ hoa,  tuổi  học trò như vô vàn chuyện cổ tích đã viết thành sách: “nhất quỉ nhì ma thú ba học trò” sau trên 35 năm mới gặp lại . Chúng ta tuy tóc đã điểm sương nhưng tình bạn, tình đồng đội vẫn còn mãi mãi, phải không Dòng nhỉ? Chúc vợ chồng thật hạnh phúc, chúc các con Dòng thành đạt , chúc cuộc sống luôn vui và khỏe.
Chúc tình cảm của Hội hội đồng ngũ – những cựu chiến binh của thôn Thanh Nộn- xã Thanh Sơn đẹp mãi !

(Hà Nội, 22/7/2011-Ngô Lê Lợi).

Vườn cây trái của Phạm Văn Dòng

Con gái (cả) của Phạm Văn Dòng hiện là cô giáo tiểu học
                                                                          
Con dâu và cháu nội của Phạm Văn Dòng

Các ban đồng môn: Thành-Yến-Nguyễn Chí Thành (xóm 1) và Nguyễn Hồng Quang xóm 3

Các bạn Dũng ở xóm 3 và Bạn Phạm Hải Yến ở xóm 1

Gặp  mặt hội đồng môn bạn học với Dòng (lớp 7A) năm 2011 (chụp ở nhà Bạn Công)

Gặp mặt hội đồng môn  lớp 7A-đầu năm 2011

Gặp mặt hội đồng môn (lớp 7A) năm 2007 (Bạn Yến tổ chức gặp mặt)
                                                                           
Viết thêm : Ngày 29/4/2023 3 anh em (Kỉ -Thắng-Lợi) cùng nhập ngũ 12/1974 và cùng thôn Thanh Nộn  đã về thăm lại nơi đóng quân ngày đầu nhập ngũ tròn 49 năm : thôn Đồng Trẩm -xã Thành Tiến-huyện Thạch Thành -Thanh Hóa . Nơi đây đổi mới và rất phát triển. Cánh đồng Trẩm là nơi đóng quân của đơn vị C2-D 858 và cách đó vào gần chân núi Dâu nơi đóng quân của D bộ 858. Màu xanh bát ngát của lúa. Mấy anh em đi lại con đường rèn vai ; rèn chân khoảng 15 ngày đi lấy củi từ Đồng Trẩm ra trung tâm huyện đến khu vực lấy củi là đội 7 nông trường Thạch Thành khoảng 10 km . 
Nhớ mãi hôm đó là ngày đầu nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có đợt không khí lạnh tràn về Thạch Thành và Thành Tiến trời mưa rất to. 
Anh Phạm Văn Kỉ (áo trắng) -Anh Nguyễn Văn Thắng (áo đen) 

Đồng Trẩm và phía sau cánh đồng Trẩm và Núi Dâu 





Ăn cơm ở nhà hàng Hiếu Quý (phố Cát TT Vân Du -Thạch Thành-TH)


                                                                           

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Về thăm xứ chùa tháp cùng Tour Dulichso.vn

Thăm quan Ăng -co-vat
                                                                                  
Tháng bẩy này thời tiết ở thành phố Hồ Chí Minh - Miền Nam rất đẹp, trời nóng nhưng có gió, và cái nắng chỉ oi oi  mấy tiếng buổi trưa, nhiệt độ bình quân 250 đến 300. Sang chiều trời mát dễ chịu, chứ nóng không oi ả như thời tiết ở Hà Nội-Miền Bắc lên xuống thất thường 260 đên 37-380. Về đêm thì ở Miền Nam rất dễ chịu, mát mẻ và trời rất xanh trong. Ban ngày thỉnh thoảng những cơn mưa “kiểu của Miền Nam”  miền Bắc gọi là “mưa bóng mây” rất dễ chịu, trời mát mẻ,  như xua tan nóng bức mùa hè phương Nam. Miền Nam là của Việt Nam thật là đẹp.

Từ ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, tính từ 30/4/1975 thì có dễ đến hơn 36 năm hơn rồi; Trong đoàn quân chiến thắng từ miền Tây Nam bộ lên thành phố bảo vệ thủ trưởng đơn vị đi họp tháng 5/1975,  cũng chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh có một ngày; khi đó đơn vị quy định và không cho bộ đội đi chơi, nên không biết Sài Gòn như thế nào?  Và sau đó vài năm được Bộ quốc phòng cho ra Miền Bắc đi học; đến năm 1998, khi đó đang còn công tác,  được anh Nguyễn Văn Ngọc Giám đốc doanh nghiệp xây dựng Cầu-Đường Hoàng Su Phì ; mời cùng vào thành phố Hồ Chí Minh, tính chung cả chuyến đi là hơn nửa tháng nhưng  chỉ ở thành phố được hơn một ngày rồi trở ra nên cũng không thăm được nhiều.

Bây giờ đã nghỉ hưu; Nhân con Ngô Hoàng Đông  trai khai trương thêm chi nhánh 2 của  Công ty cổ phần xây dựng công nghệ Phương Đông  ở 270/1F, phường 1, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh nên đưa Mẹ cùng Vợ vào thăm thành phố Hồ Chí Minh nên mới có điều kiện đi thăm hết thành phố;
Khai trương chi nhánh 2 của Công ty Cổ phần xây dựng công nghệ Phương Đông
                                                                                                                                                    
 Con trai lại cho đi du lịch xứ Chùa tháp (Campuchia) theo tour du lịch.số  (Dulichso.vn  là dịch vụ hợp tác giữa TUN TRAVEL (Công ty du lịch Tùng Ngọc) và ORIENT TECHNOLOGY., JSC (Viết tắt là Công ty Phương Đông)

Nhớ lại, trước giải phóng thấy con đường vào Miền Nam đánh Mỹ-Ngụy sao mà xa vời vợi,vừa  khó khăn, gian khổ, vừa đi bộ vừa đi ô tô không kính rung lắc, trên đoạn đường rừng dưới chân Trường Sơn hàng triệu bộ đội ta đã đi qua, đã gùi trên vai, vác súng đạn.. - đường mòn Hồ Chí Minh, thế mà cũng đến đích, mới thấy sự tài tình của Đảng-Bác Hồ-Quân đội. Điểm tập kết cuối cùng trên mảnh đất miền Đông Nam bộ rồi tiến về phía Tây Nam , đất mũi... là Trảng Bàng (thuộc Tây Ninh).
                                                                              
Sau 36 năm Trảng Bàng (Tây Ninh) ngày nay đang đổi mới
                                                                                      
  Xuất phát từ Trảng Bàng Tây Ninh, đơn vị tiểu đoàn theo phiên hiệu D23-11, khoảng 60 người, chia thành 3 đơn vị: D bộ, Đại đội 1, Đại đội 2+3 nhận lệnh hành quân qua Campuchia về miền Tây Nam bộ; Đơn vị hành quân cách nhau khoảng 20 đến 30 km, đi đêm là chủ yếu. Đơn vị hành quân  đi qua thủ đô- thành phố Phnôm Pênh. Khi đi qua khoảng tháng 2/1975 thấy khơ-me đỏ đang đuổi dân từ Phnôm Pênh về nông thôn. Cứ mỗi tốp khỏ-me đỏ khoảng 3-4 người đi xe phượng-hoàng Trung Quốc, với lá cờ đuôi nheo nho nhỏ lùa hàng đoàn dân đi từ thành phố về nông thôn, đoàn người kéo dài hàng mấy chục km. Hai bên đường, không một hàng quán, không một nóc nhà; Chỉ thấy đồng ruộng rộng mênh mông, trải dài, hoang hóa, lác đác vài cây thốt nốt mọc. Khi đó một màu chết chóc bao chùm lên đất nước Campuchia, một đất nước không thấy sự sống. Khoảng một tháng thì đơn vị đến căn cứ (tạm) của đơn vị tỉnh Căm Bốt (thuộc Campuchia). Quãng đường  này dài khoảng 500km.

Những ngày hành quân trên đất bạn, gian khổ kéo dài liên tục, hy sinh rình rập, chỉ mong muốn Miền Nam mau giải phóng để trở về quê hương tiếp tục học tập, về với Bố Mẹ. Ngày nghỉ;  đêm hành quân, trong suy nghĩ của người lính là ơn sinh thành dưỡng dục; phải quyết tâm giải phóng Miền Nam để sớm về với Bố Mẹ. Giúp gì để Bố Mẹ già đỡ khổ lúc ốm đau, neo người sản xuất.

Hết giặc; Trong những năm còn công tác ở cơ quan nhà nước do còn bận, muốn đưa Bố Mẹ đi tham quan, du lịch. Cơ hội thì có nhiều, nhưng thời cơ không có. Công tác ở một huyện miền núi phía Bắc, do cơ quan thiếu cán bộ, mặt khác lại đứng đầu một cơ quan nho nhỏ nên nếu nghỉ lâu tổ chức không cho. Nay hoàn thành nhiệm vụ mới có điều kiện chỉ đưa được Mẹ  (còn Bố đã đi xa từ năm 1989 rồi) và Vợ đi chơi và có sự giúp sức của con trai, nên mới có dịp trở lại chiến trường xưa.
Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)
                                                                 
Thế mà hôm nay, đất nước Campuchia hồi sinh thật sự. Theo tour Du lịch của con trai; điểm xuất phát từ quận một thành phố Hồ Chí Minh đi Trảng Bàng (Tây Ninh) dài khoảng 75km đến cửa khẩu Mộc Bài; qua cửa khẩu bên kia là Campuchia đấy.

Du lịch: Campuchia, một vương quốc Đông Nam Á vừa gần gũi vừa kỳ bí với thủ đô Pnôm Pênh trên 500 tuổi, soi bóng bên bờ Tonle Sap, hoàng cung tráng lệ với kiến trúc mái vòm và những ngôi chùa tôn nghiêm. tất cả đều mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer. AngkorVat hoành tráng, kỳ bí và quyến rũ là dấu ấn huy hoàng của vương triều Angkor rực rỡ, biểu tượng vật thể và tâm linh của đất nước Campuchia, thể hiện sức sáng tạo của con người trong từng đường nét kiến trúc nhỏ bé được kết hợp một cách tuyệt hảo, lưu giữ cho nhân loại một kỷ quan vĩ đại..."; Campuchia phát triển hùng mạnh nhất vào khoảng thế kỷ thứ IX cho đến thế kỷ XIII, chính giai đoạn này đã viết lên những trang sử hào hùng nhất của dân tộc Campuchia với “nền văn minh Khmer”, với Angkor Wat, quần thể Angkor – di sản thế giới và hàng loạt những kỳ tích khác tạo nên một huyền thoại bất tử Angkor.
Ngày thứ 1:   Thành phố Hồ Chí Minh đi Phnôm Pênh dài 238 KM.  
Xe đưa từ thành phố Hồ Chí Minh ngang qua Tây Ninh, từ Tây Ninh về địa đạo Củ Chi  còn khoảng 22 km; Đến cửa khẩu Mộc Bài ( phía Việt Nam)- Bavet    (phía Campuchia) hướng dẫn viên Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh và có thêm hướng dẫn viên người địa phương Campuchia cho đoàn xuất cảnh  nhập Cam-Pu-Chia. Trên đường đi xe  dừng chân qua phà Neakluong, ngắm nhìn cảnh sinh hoạt mua bán và đi lại của người dân bản địa cũng vui ra phết. Từ cửa khẩu vào sâu nội địa thấy địa hình Campuchia tương đối bằng phẳng, rộng mênh mông, màu xanh đang lên ở đất nước bạn.
Theo anh Hiền hướng dẫn viên du lịch người Campuchia, dân số Campuchia khoảng 13 triệu người. Riêng thủ đô Phnôm Pênh có trên 2 triệu dân (trong đó có 40% là Việt kiều). Cam phu chia đang trong thời kỳ xây dựng đất nước.
  
Đài Độc lập ở thủ đô Phnôm Pênh
                                                                
Xe đến thủ đô Phnôm Pênh vào khoảng 13 giờ trưa; xe sẽ dừng để du khách tham quan: thứ nhất là  Tượng đài Độc lập tại Phnom Pênh  khởi công xây dựng năm 1958  và khánh thành năm 1962  nhằm đánh dấu 9 năm độc lập của người Campuchia. Tượng đài có hình dạng stupa (hoa sen) mô phỏng AngKo Wat;có lẽ mô phỏng cây thốt nốt thì đúng hơn!
            
Tượng đài chiến thắng
                                                               
Tiếp đến là Tượng đài chiến thắng:  Cuối năm 1974, đầu 1975, chiến thắng liên tiếp trên chiến trường miền Nam của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân Campuchia tiến hành tổng công kích. Ngày 17/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Campuchia giành thắng lợi.
Nhưng cũng ngay lúc đó, tập đoàn Pol Pot bắt đầu công khai thi hành chính sách phản động của chúng.
 Kể từ tháng 5/1975 đến ngày 23/12/1978, binh lính Pol Pot đã giết hại dã man hơn 5.000 dân thường Việt Nam vô tội, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Hàng nghìn ngôi nhà, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá, hàng nghìn héc-ta lúa màu bị phá hoại. Hàng vạn héc-ta ruộng đất bị bỏ hoang, nửa triệu dân khu vực biên giới phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng chạy nạn.
 Sau 3 năm, 8 tháng, 20 ngày dưới chế độ Pol Pot, bọn diệt chủng đã giết hại gần 3 triệu người Campuchia, trong đó có gần 200 nhà văn, nhà báo; 600 bác sĩ, dược sĩ; 18.000 thầy giáo, giáo sư; hơn 10.000 sinh viên; hơn 1.000 văn nghệ sĩ; gần 1.000 trí thức ở nước ngoài về. Các thành phố hoang tàn như thành phố chết, nông thôn tiêu điều xơ xác, toàn bộ các cơ sở xã hội, văn hoá, kinh tế bị phá nát, lực lượng cách mạng chân chính bị tổn thất chưa từng thấy.

 Ngày 2/12/1978, Mặt trận ĐKDTCN Campuchia chính thức ra đời với Ban lãnh đạo gồm các ông Hêng Xom-rin, Chia Xim,  Hun Sen. Dưới sự giúp đỡ của  quân đội Việt Nam, Mặt trận ĐKDTCN Cam-Pu-Chia đã chớp thời cơ, phát động cuộc tổng công kích nhanh chóng tiêu diệt bè lũ phản động Pol Pot. Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng.

Có thể khẳng định : Chiến thắng 7/1/1979 là chiến thắng của quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia; đưa đất nước  thoát khỏi họa diệt chủng, bước vào một kỉ nguyên mới: kỉ nguyên độc lập, tự do, hồi sinh.

Tiếp đến tham quan hoàng cung xứ chùa tháp; thăm quan  chùa vàng bạc, phật ngọc (ở đây có tượng phật đúc tới 90 kg vàng, có tượng bằng ngọc quí)... Hoàng cung và chùa Bạc xây dựng từ 1866, là nơi làm việc của hoàng gia từ 1870. Công trình kiến trúc tuyệt đẹp này quay mặt về đại lộ Sothearos nhìn ra sông Mekong. Nền chùa Bạc được lát 5.329 viên gạch bằng bạc ròng có hoa văn, mỗi viên nặng 1,125kg. Trong chùa còn có tượng Phật bằng ngọc bích cao gần 1m và rất nhiều tượng vàng, vì thế người ta còn gọi là chùa Vàng. Tượng vàng lớn nhất cao gần 2m, nặng 90kg được dát 2.086 viên kim cương. Cứ nghĩ sẽ có hai chùa, một Vàng, một Bạc nhưng thật ra lại chỉ là một, bây giờ mới biết.

Hoàng cung  Campuchia (Tác giả và Mẹ tác giả)

Hoàng cung Campuchia (Mẹ và vợ tác giả)

Hai mẹ con ở Nội cung-khu vực Hoàng cung Campuchia
                                                                    
Nghỉ đêm đầu tiên tại thủ đô xứ chùa tháp. Ở thủ đô Phnôm Pênh về đêm khách có thể tự đi  tham quan (hoặc có hướng dẫn viên người Campuchia, nói chung là an ninh rất tốt; nhưng không nên đi một mình ở nơi lạ nước lạ cái), mua sắm đặc sản địa phương và quà lưu niệm tại chợ Lớn Mới hoặc chợ Osxay; ở chợ này có một cái thú vị là có đến 50% bán hàng lưu niệm các sản phẩm bằng Bạc trang sức: vòng đeo tay các loại, nhẫn, dây truyền, nồi, đĩa, ly, cốc, các con vật...giá nhỏ nhất là 1,5 usd đến 30-40 usd (mua phải mặc cả như Việt Nam nếu không là mua “hớ đấy”, vì Việt kiều rất đông), bán hàng lưu niệm như bấm móng tay, móc khóa....tóm lại là đủ cả không thiếu cái gì cả, chợ rất đông vui; Ở đây có 2 thứ mua lưu niệm phải cân nhắc là quần áo và bánh kẹo vì hàng hóa ở đây trên 50% là từ thành phố Hồ Chí Minh sang, nếu không về chợ Bến Thành mua rẻ hơn nhiều .

Chợ đêm ở thủ đô Phnôm Pêng


Trang sức bằng Bạc

                                                                   
 Phương tiện đi lại là xe ôm giá thường từ 1 usd đến 2 usd, còn đi từ 4-5 người có thể đi xe  3 bánh  gọi là “túk túk” loại xe máy kéo theo 2 bánh có thùng, giá 4 đến 5 usd. Ở đây xử dụng các loại tiền: tiền Riel (đọc là Ria), 1 Riel = 4 đồng Việt Nam (cứ lấy tiền Riel nhân cho 4 là ra tiền Việt) hoặc tiền vnd (tiền Việt Nam),  có thể  tiền dollar Mỹ 4000 Riel = 1 usd. Người Campuchia dùng vnd ; dollar Mỹ cũng như tiền Riel của họ nên không phải lo chuyện đổi sang Riel hay không. Nếu muốn đổi Riel có thể đổi ở cửa khẩu, ở chợ cũng luôn có sẵn người mời chào.
 Ở Campuchia có một điều lạ là ô tô bán –mua ở ngay cạnh đường trong thủ đô, bán ô tô như kiểu bán rau vỉa hè ở Việt Nam ta; Vì, Ôtô với người Campuchia không phải là thứ gì ghê gớm, chúng cũng giống như những vật nuôi lấy sức kéo cho nhà nông mà thôi! Giá xe rất rẻ. Khắp các con phố Phnompenh nơi nào cũng thấy xe bày bán trên vỉa hè - đó là của các đại lý nhiều vốn. Những nguời buôn xe vốn nhỏ thì tập trung ở những con phố vắng vẻ - giống như phố Phùng Hưng ở ta vậy. Ở đây họ bán những xe bình dân như Toyota Camry, Corolla đời thấp. Chiếc Corolla model 1998  có giá 3.500 USD; Chiếc Camry model 92-96  có giá chào 4.200 USD ; Xịn hơn đôi chút, chiếc Camry đời 2001  có giá 7.000 USD; Còn nếu không có nhu cầu đi nhanh, người mua có thể bỏ 500 USD mua chiếc Daewoo Tico còn mới "cứng"!

Xe "tuk tuk" và xe ôm

 Gần như gia đình nào ở Phnom Penh cũng sở hữu một chiếc xe hơi. Do giá cả xe hơi khá thấp nên những chiếc xe gắn máy tay ga đắt tiền như SH, Dylan gần như không có ở Phnôm Pênh, vì với mức giá đó, người dân ở đây có thể sở hữu một, thậm chí hai chiếc xe hơi chất lượng tốt.
Theo anh Hiền hướng dẫn du lịch: Các cây xăng ở Phnôm Pênh ;chúng đều rộng rãi sạch sẽ và luôn có một siêu thị mini, toilet đi kèm. Các lái xe có thể tranh thủ uống cà phê hoặc mua đồ lúc  đổ xăng.
Dù lượng xe hơi nhiều hơn xe máy, nhưng hệ thống giao thông đô thị  khá tốt nên gần như không xảy ra  tắc đường. Người dân tham gia giao thông rất tốt hiếm khi nghe được tiếng còi xe hoặc phóng nhanh vượt ẩu chen lấn nhau.
Điều đặc biệt ở thủ đô, các loại trộm cắp vặt như gương chiếu hậu, biển số xe không hề có, kể cả khi xe dừng ở vỉa hè suốt đêm. Việc đậu xe ở vệ đường khá thoải mái mà không phải nơm nớp lo bị trộm cắp hay làm trầy xước xe.
Và bất cứ nhà hàng, cửa hiệu nào cũng có một người bảo vệ kiêm xi nhan cho xe sau khi khách đến. Đa phần những người bảo vệ này được lái xe "bồi dưỡng" 1.000 Real (khoảng 5.000 đồng) cho mỗi lần xi nhan.
Một điều cần nói với  lái xe  khi sang Campuchia là cảnh sát giao thông ở đây rất dễ chịu. Hầu hết các lỗi vi phạm giao thông hàng ngày họ đều phạt tiền (không cần biên bản) tùy mức lỗi nặng nhẹ khác nhau, nhưng cũng chỉ dao động trong khoảng 1 - 5 USD cho một lỗi vi phạm (rất nhẹ nhàng và dễ chịu).
          Tạm biệt thủ đô xứ chùa tháp, ngày thứ 2  đến SIÊM RIÊP    và  ANGKOR  WAT chặng đường dài khoảng 316 km. Nghỉ đêm tại  Siẻmriep. Có thể lại đi chợ đêm cũng đẹp không kém gì ở thủ đô; nhưng giá thì “mắc hơn chút đỉnh” do hàng hóa chủ yếu lấy ở thủ đô về.
Thành phố Siem riep về đêm rất đẹp

Biểu diễn văn nghệ tại nhà hàng điệu apsara Campuchia
                                                                   
Sáng ngày thứ 3 đi ô tô  tham quan cổng Nam Angkor Thom, là thành phố thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của đế chế Angkor với kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Tham quan các điểm đặc sắc tại đây như: Đền Bayon 4 mặt với nụ cười bí ẩn, Quảng Trường Đấu Voi, cung điện vua Jayavarman VII.
Buổi chiều, đoàn tham quan  AngKor Wat có nghĩa là kinh đô chùa tháp, công trình được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Khmer, một trong những kì quan của thế giới. Tiếp tục tham quan đền Ta Prohm, từng được gọi là đền Rijavihara - đền Hoàng Gia, nay bị bao trùm bởi rừng già và những cây cổ thụ với hình thù kì quái, nơi từng được chọn làm phối cảnh cho bộ phim Bí Mật Ngôi Mộ Cổ nổi tiếng.
Đến 16 giờ chiều , tiếp tục chinh phục đỉnh đồi Bakheng cao 65m, ở đây có một ngôi chùa tháp cũ đang bị hư hại do thời gian; nơi đây từng là trung tâm của vương quốc Khmer đầu tiên ở Angkor, dể ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống Angkor kì vĩ.
Buổi tối, đoàn dùng Buffet tại nhà hàng Tonle Mekong  và thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật Apsara đặc sắc. Lịch sử múa Apsara ở đất nước Campuchia du nhập từ   Ấn Độ giáo, Apsara là những tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần, cử chỉ thanh thoát, duyên dáng và múa hát điêu luyện, họ là vợ của các nhạc công nơi tiên giới Gandharva, thường đàn ca, múa hát cho các vị thần. Apsara đồng thời là các tì nữ hầu hạ thần Indra vua của các vị thần, hiện thân của chiến tranh, dông bão, mưa gió. Apsara du nhập vào Campuchia từ khoảng thế kỷ thứ I, từ thời kỳ Angkor, Apsara là điệu múa kinh điển chỉ dành cho nhà vua thưởng thức trong các dịp lễ trọng đại, cũng như vinh danh các vị thần. Người ta ước lượng, vào triều đại của vua Jayavarman VII, có đến 3,000 vũ nữ Apsara phục vụ trong triều đình. Một con số rất ấn tượng nếu so sánh với dân số của kinh thành lúc bấy giờ.
Ngày thứ 4: trở về thành phố Hồ Chí Minh chặng này dài khoảng 573 km. Trên đường về qua  tỉnh Kompong Cham chiêm ngưỡng Cầu Hữu nghị (Nhật Bản - Campuchia) bắt qua sông Tonle Sap. Tham quan Cầu Rồng, được xây dựng vào thế kỉ 12 với kiến trúc Đá Ong độc đáo. Trở về qua cửa khẩu Mộc Bài – thành phố Hồ Chí Minh kết thúc tour du lịch xứ chùa tháp.

Đường vào Ăng-co-Wát kỳ quan thế giới

Trước Ăng-co-vát Campuchia

Trên đỉnh đền Bakheng cao 65m xem mặt trời lặn

Xem biểu diễn các cô gái múa apsara
                                                                
Bốn ngày du lịch thoảng qua, nhớ mãi đất nước tuy còn nghèo khó nhưng có tấm lòng  quí khách thật ! Và thỏa lòng mơ ước được đưa Mẹ đi cùng đến nơi chiến trường xưa nơi con Mẹ đã một thời chiến đấu và đã chiến thắng. Vui chiến thắng chỉ có nụ cười của người lính, còn Mẹ vẫn nặng trong lòng lo cho những đứa con bé nhỏ của Mẹ. Đời Mẹ bao buồn khổ, chưa một lần vui. Nhớ ngày nhập ngũ chiến tranh chống Mỹ-Ngụy đang ác liệt; gia đình được cán bộ xã Thanh Sơn mang đến cho Bảng vàng “Gia đình vẻ vang”, đến khi hai em nhập ngũ, cán bộ xã mang đến “Bảng vàng danh dự” Mẹ chỉ nhận, không vui không buồn; vì các con Mẹ lên đường đi đánh giặc, ngày mai biết ai còn ai mất. Hôm nay các con Mẹ đã về và đều hoàn thành nhiệm vụ và đưa Mẹ đi du lịch nước ngoài - Cam puchia cũng là nước ngoài, lại là chiến trường xưa các con Mẹ đã sống, vui gì bằng Mẹ nhỉ ?

Chia tay xứ chùa tháp về Việt Nam
                                                                  
 Hãy mãi nhớ ơn sinh thành dưỡng dục và chăm lo cho Cha Mẹ chúng ta , những ai còn Cha, còn Mẹ hãy nhớ!
                      
(Campuchia- 18/7/2011-Ngô Lê Lợi)