HIẾU DƯỠNG PHỤNG THỜ CHA MẸ
Người Phật tử chân chính ngoài những trách nhiệm lo cho gia đình
người thân và đóng góp xã hội, người
con hiếu thảo cần có bổn phận phải chăm lo đầy đủ, vật chất và tinh thần cho
cha mẹ.
Siêng năng làm việc để có của cải nuôi dưỡng
cha mẹ: Người Phật tử chân chính, trước tiên phải có bổn phận trách nhiệm của
một người con đối với cha mẹ, là phải biết làm tăng thêm tài sản của cải, vật
chất để nuôi dưỡng cha mẹ bằng đôi bàn tay và khối óc của mình.
Thay thế cha mẹ gánh vác công việc nặng nhọc,
con cái chính là sự tiếp nối quan trọng, để duy trì nghề nghiệp, công việc của
cha mẹ. Nếu trong gia đình mà không có người kế nghiệp được xem như là một bất
hạnh lớn.
Cáng đáng việc nhà, làm tròn bổn phận đối với
cha mẹ. Ý thức trách nhiệm, làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. Thay
thế cha mẹ phát triển và mở mang nghề nghiệp thêm lớn mạnh, là nhiệm vụ cao cả
của người con.
Giữ gìn truyền thống gia phong tốt đẹp: Truyền
thống gia phong là truyền thống đạo đức gia đình, của dòng tộc được giữ gìn và
truyền thừa qua nhiều thế hệ tiếp nối. Truyền thống này có thể bao gồm cả những
yếu tố tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, truyền thống gia phong ở đây là chúng
ta phải hiểu rõ và thấm nhuần những giá trị đạo đức tốt đẹp. Đạo đức tốt đẹp
thuần thiện là chất liệu sống, cần phải có trong các mối quan hệ giao tế, trong
cách đối nhân xử thế giữa con người và các đối tác xung quanh.
Không tự làm gì khi chưa hỏi cha mẹ và không
được trái ý cha mẹ. Bổn phận người làm con khi muốn làm công việc gì cũng phải
hỏi ý kiến cha mẹ trước, mục đích để giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Đạo Phật không dạy chúng ta phải tin theo các tín ngưỡng lạc hậu, mê tín có
tính cách làm tổn hại con người.
Bảo vệ tài sản được kế thừa từ cha mẹ. Tài sản
mà cha mẹ để lại bao gồm tất cả những giá trị vật chất lẫn tinh thần. Ngoài ra,
việc quản lý, giữ gìn và phát triển tài sản vật chất mà cha mẹ đã để lại cũng
là một nhiệm vụ quan trọng đối với con cái. Chúng ta cần phải biết, việc tạo ra
tài sản không phải dễ, nó đòi hỏi con người phải có đầy đủ năm yếu tố cơ bản:
thứ nhất siêng năng tinh cần, thứ hai là tiết kiệm, thứ ba là không phóng túng
hoang phí, thứ tư là khộng trộm cướp của ai và thứ năm là biết giúp đỡ, sẻ chia
khi có nhân duyên. Việc tích lũy tài sản đã khó nhưng việc giữ gìn, bảo vệ tài
sản đó được tồn tại lâu dài lại càng khó hơn.
Khuyến khích cha mẹ hướng thiện và biết quy
hướng về Tam bảo là trách nhiệm của con cái. Con cái có thể báo đáp thâm ân cao
cả của cha mẹ qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Phận làm con nếu
khuyên cha mẹ biết quy hướng Tam bảo, tin sâu nhân quả tu học theo chánh pháp
Phật-đà, như vậy mới chân thật đền đáp ân sâu. Có cha mẹ biết đi chùa tin sâu
Tam bảo là phước báo lớn cho gia đình người thân. Tu học Phật pháp giúp cho cha
mẹ an vui nơi chánh pháp, sống ít phiền muộn về tuổi già, vui hưởng an lạc hạnh
phúc hiện tại và mai sau.
Khi cha mẹ qua đời, người
Phật tử nên tổ chức lễ tang đơn giản, đúng chánh pháp, để tạo hành trang tái
sanh tốt cho cha mẹ.
Người Phật tử nên tổ chức các lễ tưởng niệm
cha mẹ vào dịp các tuần thất, một trăm ngày, giỗ hằng năm . . . tại chùa. Trong
trường hợp tổ chức tại nhà, người Phật tử nên mời quý Thầy Cô và ban hộ niệm về
nhà tụng kinh. Phẩm vật dâng cúng nên thuần chay. Người Phật tử cũng nên tu
phước, bố thí, cúng dường Tam bảo, cúng dường Trai tăng để hồi hướng công đức
cho cha mẹ.
TRÁCH
NHIỆM CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI
Người Phật tử khi làm cha mẹ phải có bổn phận
thương yêu, nuôi nấng, giáo dục con cái trưởng thành về thể chất, tinh thần,
nhân cách, đạo đức; tạo dựng nghề nghiệp và khả năng tự lập cho con cái.
Cha mẹ thương yêu con cái: Mối quan hệ của các
bậc cha mẹ trong đạo Phật được đặt trên cơ sở đạo đức, do đó, sự ra đời của con
cái không phải nhu cầu thỏa mãn các khoái lạc giác quan thông thường mà còn có
tinh thần trách nhiệm. Các bậc cha mẹ xem việc nuôi nấng con cái là nền tảng
đạo đức, là trách nhiệm thiêng liêng cao quý, mà ai làm cha mẹ cũng muốn cho
con cái mình lớn khôn và trưởng thành.
Cung cấp cho con cái đầy
đủ: Cha mẹ có trách nhiệm với con cái là không để chúng thiếu thốn về vật chất
và tinh thần. Trên phương diện vật chất, bậc làm cha mẹ phải tùy vào khả năng
có được, để lo cho con cái đầy đủ như ăn uống mặc ở cho đến các phương tiện học
hành phát triển tài năng, đạo đức và trí tuệ. Trên phương diện tinh thần, cha
mẹ phải thường xuyên quan tâm chăm sóc, chia sẻ hỏi han để động viên con cái,
vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Tạo dựng nghề nghiệp chân chính cho con cái,
nhằm đảm bảo an sinh đời sống về lâu dài. Phật giáo luôn lấy nhân quả làm nền
tảng để giáo dục mọi người ý thức rằng “nhân quả tốt xấu đều do mình tạo ra”.
Đây là phương cách giáo dục vô cùng sáng suốt vì đã loại bỏ yếu tố ỷ lại vào
người khác, và phát triển năng lực làm chủ bản thân.
Tìm nơi chốn xứng đáng để dựng vợ gả chồng cho
con cái: Trách nhiệm của các bậc cha mẹ ngoài việc giáo dục đạo đức tránh ác
làm lành, ổn định nghề nghiệp, mà còn chăm lo đến đời sống lứa đôi cho con cái.
Khi con cái đã đến tuổi trưởng thành, việc quyết định đời sống hôn nhân của
chúng được quyền lựa chọn theo nhân duyên của mỗi người. Ngoài việc, truyền
trao kinh nghiệm trong hôn nhân cho con cái, các bậc cha mẹ còn phải hướng dẫn
con cái chọn lựa người bạn đời thích hợp để đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Cha mẹ có của cải vừa ý đều giao hết cho con
cái: Trách nhiệm thứ năm này mang ý nghĩa pháp lý và tính nhân bản cao, việc
truyền trao này bao gồm di chúc và tài sản thừa tự cho con cái. Có nhiều bậc
cha mẹ đã không nghĩ tới chuyện này khi còn khỏe mạnh. Do đó, khi nhắm mắt ra
đi, anh chị em tranh giành tài sản do cha mẹ để lại, dẫn đến cảnh tan nhà
nát cửa. Chính vì thế, để tránh các tình trạng trên, Đức Phật đã dạy các bậc
cha mẹ phải di chúc và truyền lại gia tài khi mình còn sáng suốt và khỏe mạnh,
trên tinh thần bình đẳng chia đều cho con cái, không kể là gái hay trai.
Khi con được một tuổi, người Phật tử nên đem
con đến chùa làm lễ bán khoán hay lễ khai tâm và ghi vào sổ bộ của bổn tự. Khi
con được năm, sáu tuổi, người Phật tử nên dẫn con đến chùa học giáo lý, song
song với chương trình thế học. Khi con lên tám tuổi nên hướng dẫn con làm lễ
quy y Tam bảo, để con cái chính thức trở thành Phật tử. Cha mẹ phải biết giáo
dục khi chúng còn nhỏ, trẻ con từ 3 đến 12 tuổi, mỗi lần đi chùa, chúng ta nên
dẫn chúng theo, đến chùa tập cho chúng biết quỳ, biết lạy, biết dâng hương hoa,
biết tỏ lòng cung kính đối với đức Phật và chư Tăng, Ni.
Giáo dục con cái khi bắt đầu ở tuổi dậy thì:
Chừng 13 tuổi trở đi cho đến tuổi đôi mươi, là tuổi đang tìm hiểu, biết tò mò,
học hỏi, tham khảo những điều hay lẽ phải. Bậc cha mẹ hãy nên khuyến khích con
cái đi chùa, quy hướng Tam bảo, có niềm tin sâu sắc đối với nhân quả, nhờ vậy
con cái sẽ biết tránh ác làm lành mà sống đời đạo đức khi lớn khôn, trưởng
thành.
Cha mẹ dạy con khi còn nhỏ từ cách ăn uống, đi
đứng, nói năng đều phải theo nguyên tắc kính trên nhường dưới, tin sâu nhân quả,
tránh ác làm lành, tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, nhờ vậy
con cái khi khôn lớn trưởng thành sẽ biết cách hoàn thiện chính mình.
Người Phật tử nên truyền chất Phật cho con qua
các lễ bán khoán, thôi nôi, khai tâm, lễ quy y, lễ cưới, sinh nhật và qua cuộc
sống hằng ngày. Dạy con cái ý thức học Phật pháp, đi chùa, lạy Phật, đọc tụng
kinh Phật, nghe giảng, ăn chay kỳ, làm phước và tu đức.
Người Phật tử làm cha mẹ không nên ngăn cản
con cái nếu chúng có ý thức và muốn xuất gia, làm người tu sĩ chân chính. Trái
lại, cha mẹ nên tạo mọi thuận duyên cho con cái mình thành đạt chí nguyện hướng
thượng cao cả, trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh.
(trích từ: Cẩm nang của Phật tử)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét