Pháp Sư Tịnh Không,
Người Truyền Bá Giáo Lý Tịnh Ðộ qua con đường giáo dục
Người Truyền Bá Giáo Lý Tịnh Ðộ qua con đường giáo dục
Giới thiệu về Pháp Sư Tịnh Không
Pháp Sư Tịnh Không thế danh là Từ Nghiệp Hồng , sinh năm 1927 tại huyện Lô Giang , tỉnh An Huy , Trung Hoa. Ngài đã theo học tại trường Trung Học Ðệ Tam Cấp Quốc Gia Quế Châu và Trường Trung Học Ðệ Nhất cấp Thành Phố Nam Kinh. Năm 1949, Ngài đến Ðài Loan và làm việc ở Viện Thạch Kiến . Trong mười ba năm sau đó, Pháp Sư Tịnh Không đã dùng thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu kinh điển, lịch sử và triết học Phật Giáo dưới sự hướng dẫn của giáo sư Ðông Mỹ Phương, Lạt Ma Tây Tạng, Trương Gia Ðại Sư và pháp sư nổi tiếng Lý Bỉnh Nam , đệ tử chân truyền của Ðại sư Ấn Quang . Pháp Sư Tịnh Không là người thông thạo nhiều Kinh điển Ðại Thừa và các bộ luận của nhiều tông phái Phật giáo cũng như triết lý của Ðạo Khổng, Ðạo Lão, Ðạo Gia Tô, Ðạo Hồi và các Tôn giáo khác. Pháp sư Tịnh Không được xem là người có công phục hưng Tông Tịnh Ðộ trong hiện đại, Ngài đã cống hiến cả cuộc đời mình cho việc nghiên cứu, thực hành và truyền bá pháp môn Tịnh Ðộ, là một pháp môn mà Ngài đã đạt được những thành tựu lớn nhất.
Pháp Sư Tịnh Không xuất gia năm 1959 (32 tuổi) tại Chùa Lâm Tế , thuộc tỉnh Ngọc Án Sơn , Ðài Bắc và được Hòa Thượng Bổn sư ban cho pháp danh là Tịnh Giác, pháp tự là Tịnh Không. Sau khi thọ Cụ Túc Giới, Ngài bắt đầu công việc hoằng pháp và truyền bá giáo lý tại Ðài Loan và ở nước ngoài. Trong hơn bốn mươi năm, Ngài đã liên tục thuyết giảng năm bộ Kinh Tịnh Ðộ, và các bộ kinh Ðại Thừa như:
1. Kinh Hoa Nghiêm
2. Kinh Pháp Hoa
3. Kinh Lăng Nghiêm
4. Kinh Viên Giác
5. Kinh Kim Cang
6. Kinh Địa Tạng
.v.v...
May mắn thay các cuộc thuyết giảng của Ngài đã được ghi lại trên hàng ngàn các loại băng cassettes, video, DVD, VCD, v.v... để phổ biến cho những ai không có duyên trực tiếp đến dự các pháp hội của Ngài. Cho đến nay, Ngài vẫn hoan hỷ đi đó đây để thuyết pháp giảng kinh một cách không mệt mỏi.
Trong sự nghiệp giảng dạy lâu dài của Ngài, Pháp Sư Tịnh Không đã giữ những chức vụ như :
-Giảng viên tại Viện Tam Tạng ở Chùa Thập Phổ (Shipu) năm 1960
-Thành viên Ủy ban Truyền Bá Giáo Lý năm 1961
-Thành viên Ủy Ban Kế Hoạch của Hội Phật Học Ðài Loan năm 1965
-Giảng Viên trưởng khóa học Phật Pháp cho sinh viên đại học thuộc Hội Phật Học Ðài Loan năm 1972
-Nghiên cứu gia Phật học tại Học Viện Trung Hoa
-Giáo sư và biên tập viên Hội Phiên dịch Kinh Luận Phật Học Ðài Loan năm 1973
-Giáo sư Ban Triết Học tại Ðại Học Văn Hóa
-Giáo Sư Khóa Học Sống Ðạo cho Gia Tô Ðông Á thuộc Ðại Học Gia Tô Phụ Nhân (Fu Ren) năm 1975
-Hiệu Trưởng Trường Trung Ðẳng Phật Học Trung Hoa năm 1977
-Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Tu Tập Tịnh Ðộ Trung Hoa năm 1979.
Tất cả những học viện nói trên đều ở Ðài Loan.
-Năm 2002, Pháp sư Tịnh Không đã được thành phố Toowomba, thuộc tiểu bang Queensland, Úc châu, truy tặng danh hiệu “Công Dân Danh Dự” về những đóng góp của Ngài cho chính sách đa văn hóa của Úc.
-Cũng trong năm 2002, Pháp sư Tịnh Không đã được Ðại Học Griffith, tiểu bang Queensland, Úc châu, đã trao bằng “Tiến Sĩ Danh Dự” để đánh dấu những thành công và đóng góp của Ngài về văn hóa và giáo dục đạo đức cho xã hội Úc trong nhiều năm qua.
Ngoài ra Ngài còn sáng lập Hội Pháp Thí Hoa Tạng (Hwa Dzan), Thư Viện Thính Thị Phật Giáo Hoa Tạng; Hội Giáo Dục Phật Giáo PG; Trung Tâm Tịnh Ðộ Học Hoa Tạng và các Trung Tâm Phật Học và Tịnh Ðộ Học khác trên khắp thế giới.
Pháp Sư Tịnh Không là người tiên phong trong việc sử dụng hệ thống truyền thanh, truyền hình vệ tinh, mạng lưới thông tin toàn cầu (Internet, http://www.amtb.org.tw hoặc http://www.amitabha.com) và những phương tiện truyền thông hiện đại khác trong việc truyền bá Chánh Pháp ở Ðài Loan và khắp thế giới. Ngài cũng bảo trợ cho công tác ấn loát và phát hành miễn phí khắp thế giới Ðại Tạng Kinh Phật Giáo (chữ Tàu), Tứ Thư Ngũ Kinh của Khổng Giáo, cũng như các sách và băng từ về PG, luân lý, đạo đức và văn hóa Trung Hoa, cùng với hơn một triệu bản in về hình ảnh của Chư Phật và Bồ Tát.
Năm 1977, Pháp Sư Tịnh Không bắt đầu thuyết giảng ở hải ngoại. Ngài đã chú trọng đến những nguyên lý của Ðại Thừa PG như giải trừ mê tín, tà kiến, giúp mọi người phân biệt rõ phải và trái, đúng và sai và giải quyết hoàn hảo mọi vấn đề. Trong nỗ lực thực hiện cộng việc này Ngài hỗ trợ thành lập hơn năm mươi Trung Tâm Tịnh Ðộ Học và Hội Phật Ðà trên khắp thế giới, bao gồm những trung tâm và hiệp hội ở Ðài Loan, Hồng Kông, Singapore, Mã Lai, Bắc Mỹ, Úc, Tây Ban Nha và Anh quốc. Suốt mấy thập niên qua, Ngài đã cố vấn cho vô số tổ chức PG và xã hội.
Pháp Sư Tịnh Không đã quảng bá cho người Trung Hoa trên khắp thế giới ý thức về việc thiết lập bàn thờ tổ tiên nhằm giáo dục mọi người về lòng thành kính và danh dự, cũng như khuyến khích thực hành đạo hiếu, thành kính và báo ân đối với tổ tiên; bảo tồn đạo đức, phát huy những giá trị cổ truyền, giúp quốc gia phát triển và thịnh vượng.
Năm 1985, Pháp Sư Tịnh Không đã nhập cư Hoa Kỳ, trong thời gian sống ở đó, do những thành quả xuất sắc về liên hệ sắc tộc, công cuộc vận động hòa bình và đạo đức, vào năm 1995, Ngài đã được thành phố Dallas lẫn tiểu bang Texas phong tặng danh hiệu là Công Dân Danh Dự.
Những năm gần đây, Ngài đã đi thuyết giảng ở nhiều trường đại học như Ðại học Quốc Gia Singapore, Ðại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, Ðại học Minnesota, Ðại học Texas và Ðại học Hawaii ở Hoa Kỳ, Ðại học Melbourne, Ðại học Bond, Ðại học Kỹ Thuật Curtin, Ðại học Monash ở Úc châu; Ðại học Fu Ren Gia Tô Giáo, Ðại học Văn Hóa Trung Hoa, Ðại học Cheng Gong và Ðại học Chong Shan ở Ðài Loan và nhiều học viện cao cấp khác. Ngài cũng nói chuyện trên các đài truyền hình, truyền thanh ở nhiều quốc gia khác.
Từ tháng 5 năm 1995, Pháp Sư Tịnh Không dạy các khóa huấn luyện giảng sư do các Hội Phật Học Singapore và Hội Phật Ðà ở Singapore bảo trợ và Ngài cũng là Giám đốc Giáo Dục của những Hội này. Trong thời gian này, Ngài đang lưu trú tại Singapore để thực hiện một loạt bài giảng về Kinh Hoa Nghiêm , Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Ðịa Tạng . Hiện Ngài đang thành lập Trường Cao Ðẳng Giáo Dục Phật Giáo, đây là trường đầu tiên thuộc loại hình này ở Singapore để đào tạo những người kế thừa công việc bảo tồn Phật giáo.
Ngài đã thành lập Hội Giáo Dục Phật Ðà để ấn tống kinh sách miễn phí cho PG thế giới. Ước nguyện thật sự của Ngài là hỗ trợ thiết lập các Hội Phật Ðà độc lập trên khắp thế giới. Ngài kỳ vọng những tổ chức này sẽ cổ động một nền giáo dục chân chính, giảng giải Luật Nhân Quả, phát Bồ đề tâm và khuyến khích mọi người niệm hồng danh Ðức Phật A Di Ðà và nguyện cầu vãng sinh Tịnh Ðộ.
Tôn chỉ của Ngài là Phật tử đồng tu của các Hội Phật Ðà nên tu tập theo năm bộ Kinh Tịnh Ðộ:
1. Kinh Vô Lượng Thọ
2. Kinh A Di Ðà
3. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật
4. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Bồ Tát (Kinh Hoa Nghiêm)
5. Phẩm Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông (Kinh Lăng Nghiêm)
Và một bộ luận: là Luận Vãng Sanh của Bồ Tát Thiên Thân.
Pháp Sư Tịnh Không cũng nhấn mạnh sự quan trọng trong việc tu tập và phát triển Chánh kiến và thực hành giới hạnh của mọi hành giả ngang qua việc áp dụng Năm cửa công đức bao gồm Sáu pháp hòa hợp, ba vô lậu học, Sáu ba la mật và Mười đại nguyện.
Cửa công đức thứ nhất là hiếu kính đối với cha mẹ, Thầy tổ và các bậc sư trưởng, từ bi không sát sinh và thực hành mười điều thiện lành; quy y Tam Bảo, trì giới và có oai nghi, tế hạnh; phát tâm Bồ đề, tin sâu giáo lý Nhân quả, tụng đọc Kinh điển Ðại Thừa và khuyến khích người khác tinh tấn tu tập để đạt được giải thoát.
Cửa công đức thứ hai là Lục hòa tức là sáu pháp hòa kính, bao gồm chia xẻ cùng quan điểm và mục tiêu, giữ cùng những giới luật, cùng sống và tu hành với nhau trong hòa hợp, không tranh chấp, cùng chứng nghiệm sự an lạc trong thực hành và chia đều cho nhau phúc lợi có được.
Cửa công đức thứ ba là thực hành và phát triển ba môn vô lậu học bao gồm trì giới, thiền định và trí tuệ.
Cửa công đức thứ tư là áp dụng sáu Ba La Mật bao gồm Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ vào trong đời sống hằng ngày.
Cửa công đức thứ năm là Mười đại nguyện
1. Tôn trọng mọi người và xử sự một cách cẩn trọng;
2. Khen ngợi đức hạnh của người;
3. Thực hành bố thí một cách vô uý;
4. Biết hối hận những lỗi lầm của mình, vốn là những chướng ngại cản trở chúng ta thấy được chân tâm của mình và phát nguyện không tái phạm;
5. Hoan hỷ với đức hạnh của người, tuyệt đối không ganh tyï;
6. Thỉnh cầu các bậc thiện tri thức truyền bá Chánh Pháp;
7. Thỉnh cầu các bậc Minh sư ở bên cạnh mình để hướng dẫn mình tu tập;
8. Mãi mãi giữ những lời dạy của Ðức Phật ở trong tâm thức mình;
9. Sống hòa hợp với mọi hoàn cảnh và mọi người xung quanh;
10. Hồi hướng công đức có được từ những việc trên cho chúng sanh, cầu mong chúng sanh đạt được giác ngộ vô thượng.
Chúng ta nên nhất tâm niệm hồng danh Phật A Di Ðà, không nghi ngờ, không pha trộn với các pháp khác hay những ý nghĩ khác và không gián đoạn, mong siêu sinh về Tây Phương Tịnh Ðộ, rồi tái sinh ở thế gian để giúp đỡ người khác.
Chúng ta thành tâm cầu mong cho mọi người sẽ nhận ra rằng nguồn gốc của những nguyên nhân gây ra đau khổ là ở ngay trong tâm nhiễm ô của chính mình. Chúng ta sẽ tinh tấn tu tập để giải trừ những phiền não mê lầm và tà kiến theo lời dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ (Infinite Life Sutra):
“ Người đời phần đông phước mỏng, cùng tranh dành nhau những sự không cần thiết, ở tại trong chỗ cực ác tột khổ mà nhọc nhằn làm ăn để tự cung cấp. Không luận là người tôn, kẻ ti, người nghèo, kẻ giàu, trẻ già, nam nữ đều lo nghĩ về tiền tài, vất vả sầu khổ, mãi nghĩ mãi lo, không lúc nào yên. Có ruộng lo ruộng, có nhà lo nhà, có trâu ngựa, lục súc, nô tỳ, tiền của, y thực trăm ngàn thứ, lại lo trăm ngàn thứ. Toan tính, cầu lợi, lo nghĩ, buồn sợ, bỗng chốc bị trộm cướp, nước cuốn, lửa cháy, sung công, tài sản tiêu tan, thân mang tai họa, lại sầu khổ phẩn uất. Nếu tài sản không bị tiêu tan, nhưng cuối cùng vô thường kéo đến, thân chết mạng chung, tay không ra đi, không mang được món gì. Do những việc như thế nên không thể đắc đạo. Các vị phải suy nghĩ chín chắn, nên xa lìa những điều ác, chọn những điều lành rồi siêng năng thực hành. Ái dục vinh hoa là những thứ không thể bảo tồn mãi mãi, rồi sẽ ly tan, không có gì đáng để vui thích. May mắn gặp Phật tại thế, phải cần kíp tu hành, người nào có chí nguyện sanh về cõi nước An Lạc thì được trí tuệ sáng suốt, công đức thu thắng. Không nên buông lung theo dục vọng mà quên mất lời dạy trong Kinh Pháp, giới luật, để rồi phải rơi lại ở phía sau”.
Nếu đọc và làm theo lời dạy của Kinh này, công đức và trí tuệ của chúng ta sẽ phát sinh, giải trừ được ác nghiệp, sống lâu, mạnh khỏe và hạnh phúc. Thêm nữa, nếu Kinh này đã phân phát rộng rãi và được đón nhận thì mọi người sẽ trở nên hiền lành và tử tế hơn. Kinh này là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề của chúng ta và thiết lập cho nền hòa bình thế giới.
Chúng ta thành lập các Hội Phật Ðà để các hành giả tu theo năm cửa công đức và hợp với lời dạy của Pháp Sư Tịnh Không để tu theo pháp môn Tịnh Ðộ và học Kinh Vô Lượng Thọ. Làm như vậy chúng ta có thể báo Phật ân đức, trả ơn Quốc Gia, ơn Cha Mẹ, ơn Thầy Tổ và chúng sinh. Chúng ta sẽ có khả năng giúp những người nào còn chịu đau khổ. Chúng ta đang có ở trước mặt một cơ hội hiếm có và quý báu chỉ có thể gặp một lần trong vô số đại kiếp. Hỡi các bạn đồng tu, chúng ta nên trưởng dưỡng đạo tâm, thanh tịnh, bình đẳng, hiểu biết và từ bi để thông suốt, xả ly, đạt được giải thoát, hợp với hoàn cảnh và quán tưởng Phật A Di Ðà, làm theo lời dạy của Ngài và nguyện cầu vãng sinh Tây Phương Tịnh Ðộ.
(Theo tu viện Quảng Đức )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét