Không sợ khó
Bố ông Toàn là công nhân rèn, mẹ là công nhân giao thông nên khi rời ngành về sinh sống ở quê nhà, hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông hết sức khó khăn. Không có nhà ở, bố mẹ ông phải xin chính quyền địa phương cho mượn mảnh đất ven sông Đáy để dựng tạm túp lều tranh, làm nghề rèn kiếm sống.
Tháng 5/1977, Toàn lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Sư đoàn 365 Phòng không Không quân, sau đó được theo học tại Trường Kỹ thuật phòng không không quân và tham gia chiến đấu bảo vệ vùng biên giới phía Bắc. Năm 1983, Thiếu úy Toàn phục viên.
Rời quân ngũ, trước tình hình khó khăn của đất nước, địa phương cũng như gia đình mình, Toàn luôn suy nghĩ phải làm một điều gì đó để ổn định cuộc sống. Sau nhiều tính toán, Toàn vẫn quyết định chọn nghề rèn. Chỉ là cái cuốc, hái, liềm, song cũng giúp gia đình vượt qua bao gian nan.
Năm 1984, Toàn xin vào làm ở Công ty Cơ khí vận tải Toàn Thắng, nhưng sau một thời gian, công ty này làm ăn thua lỗ, anh quay lại với nghề rèn. Nhưng nếu làm mãi nghề rèn thì cũng chỉ đủ ăn, khó có thể thoát nghèo, suy tính kỹ lưỡng, Toàn bàn với một số anh em CCB, cựu quân nhân và một số công nhân của Công ty Cơ khí vận tải Toàn Thắng và đề nghị góp vốn, thành lập tổ hợp cơ khí. Năm 1992, tổ hợp chính thức ra đời.
Ngoài việc phát huy nghề rèn, tổ hợp còn mua sắm thêm máy móc, công cụ phục vụ sửa chữa, gia công cơ khí, rồi phát triển thêm nghề sửa chữa động cơ ôtô, lắp rắp xe công nông, máy cơ khí nông nghiệp, gia công các mặt hàng cơ khí. Công việc ngày càng nhiều, doanh thu của tổ hợp cũng như lương thưởng của công nhân ngày một tăng.
Để nâng cao trình độ chuyên môn và công tác quản lý, Toàn đăng ký theo học lớp tại chức chế tạo máy và xây dựng.
Khi tỉnh Hà Nam tái lập, nhiều công trình mới được xây dựng, nhận thấy đây là cơ hội để phát triển doanh nghiệp, năm 2002, ông Toàn mạnh dạn xin cấp phép thành lập Công ty TNHH Thanh Thanh Sơn do ông làm Giám đốc, với số vốn điều lệ 7 tỷ đồng. Sau đó, ông quyết định đầu tư 1, 2 tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại nhằm phục vụ cho bước phát triển mới.
Từ đó đến nay, Công ty đã giải quyết việc làm cho 100 lao động địa phương, trong đó có 72 cựu quân nhân và con CCB, với mức lương kỹ sư từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, công nhân phổ thông 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện, Công ty đã có 4 đội công trình, đảm nhận nhiều công trình lớn trong và ngoài tỉnh như lắp dựng hệ thống kèo thép Nhà máy Giầy Thượng Đình (Hà Nội), xây dựng đường cáp quang Bưu điện Nam Sách (Hải Dương), thi công Trung tâm Giống thuỷ sản Nam Định,... Các công trình do Công ty thi công đều đảm bảo chất lượng, tiến độ, tạo được uy tín với khách hàng. ông Toàn cho biết, tổng doanh thu của Công ty hiện đạt trên 11 tỷ đồng, lợi nhuận 300 triệu đồng, hàng năm đóng góp hơn 400 triệu đồng tiền thuế.
Nghĩa tình đồng đội
Khi Công ty ăn nên làm ra, thu nhập ổn định, ông Toàn càng băn khoăn, trăn trở với đồng đội và con em các liệt sĩ đang gặp khó khăn. Ông tâm sự: “Tôi luôn ý thức sâu sắc rằng, có được thành quả hôm nay, ngoài ý chí quyết tâm vươn lên của bản thân phải kể đến tinh thần đồng cam cộng khổ, chung sức chung lòng của các CCB, cựu quân nhân, của anh em, bạn bè. Vì thế, bên cạnh việc chăm lo sản xuất, chi trả lương, thưởng kịp thời, Công ty TNHH Thanh Thanh Sơn còn quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân viên, thường xuyên thăm hỏi cán bộ, công nhân viên khi ốm đau, do vậy họ ngày càng gắn bó với Công ty”.
Bên cạnh đó, Công ty của ông còn tích cực tham gia các phong trào từ thiện xã hội ở địa phương như ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ nhân đạo 112 triệu đồng, quỹ Vì người nghèo 26 triệu đồng, tặng 10 sổ tiết kiệm tình nghĩa (200.000 đồng/sổ) cho CCB nghèo.
Với tinh thần vượt khó, phấn đấu không ngừng nghỉ và luôn quan tâm đến đồng đội, ông Toàn đã được các cấp, ban ngành tặng nhiều giấy khen, bằng khen./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét